Chuyện ghi ở Pờ Yầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi gặp Đại úy Chrứ (từ tháng 6-2020 được thăng quân hàm Thiếu tá)-cán bộ Đội Cảnh sát Điều tra tổng hợp (Công an huyện Mang Yang) khi anh đến tặng quà, làm chứng minh nhân dân cho người dân làng Pờ Yầu. Đó là ngôi làng đặc biệt khó khăn, nằm chênh vênh trên đỉnh núi thuộc xã Lơ Pang, huyện Mang Yang. Điều khiến chúng tôi ấn tượng là tình cảm mộc mạc, thắm thiết mà dân làng dành cho người cán bộ Công an này.
1. Vừa đặt chân đến làng Pờ Yầu, một thanh niên dáng mảnh khảnh đến gần Đại úy Chrứ nói: “Anh Chrứ, anh qua nhà em chút”. Thoáng ngạc nhiên, Đại úy Chrứ hỏi: “Em là…”. “Em tên Yin. Trước kia, em từng được anh giúp đỡ”-Yin mỉm cười đáp. Anh Chrứ reo lên: “Em khác quá, chững chạc hơn nhiều”.
Tò mò, tôi xin theo họ về nhà Yin (SN 1998, người làng Pờ Yầu) và được nghe câu chuyện thú vị 7 năm trước. Yin kể: “Đêm 1-3-2013, do ông chủ một cửa hàng tạp hóa trong làng không mở cửa bán rượu cho bọn em nhậu tiếp nên em và 4 thanh niên khác đập phá quán. Hôm sau gặp anh Chrứ, em sợ lắm! Nhưng anh Chrứ chỉ nhẹ nhàng bảo: “Việc đã xảy ra rồi, nếu em thành khẩn khai báo thì sẽ được giảm nhẹ hình phạt”. Nhìn anh hiền lành, lời nói có lý, có tình nên 5 đứa em có gì khai hết. Anh tìm được những tình tiết giảm nhẹ cho nhóm chúng em. Vụ đó tụi em bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo và phải đền cho người ta 45 triệu đồng. Hồi xét xử xong, mấy anh em hẹn gặp lại mà giờ mới gặp được”.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Yin đã lấy vợ, có con và chăm chỉ lao động để lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình. Bà Drum-mẹ Yin-nói: “Cái bụng Chrứ tốt lắm. Hôm tòa xử xong vụ thằng Yin, trong làng có người bị đau nặng. Người nhà đó chỉ biết gọi cho Chrứ nhờ lo xe đón ở ngã ba Lơ Pang để đưa đi bệnh viện. Hồi đó đường từ làng Pờ Yầu ra xã chưa được bê tông như bây giờ, nhiều dốc, nhiều đá, thanh niên trong làng phải thay nhau gánh người ốm suốt 7 cây số từ làng xuống. May có Chrứ liên hệ được xe chờ sẵn thì mới cứu được”.
Anh Chrứ gặp gỡ bà con làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: T.T
Anh Chrứ gặp gỡ bà con làng Pờ Yầu (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang). Ảnh: T.T
2. Là một người con Bahnar với lợi thế nói, viết thông thạo tiếng mẹ đẻ và am hiểu phong tục, tập quán của bà con, anh Chrứ luôn sát cánh cùng đồng đội giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự. Nổi bật là vụ việc xảy ra cách đây 11 năm. Khi ấy, 3 người dân làng Đak Yă (xã Đak Yă, huyện Mang Yang) bị khoảng 50 thanh niên trong làng đánh chết một cách dã man vì bị nghi có “thuốc thư”. Dân làng Đak Yă tin “thuốc thư” là có thật nên ra sức phản đối khi Công an huyện bắt các đối tượng cầm đầu để điều tra, xử lý. Anh Chrứ được lãnh đạo phân công đứng ra thuyết phục bà con giải tán, không tụ tập đông người. Chỉ sau hơn 20 phút, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hỏi anh làm thế nào để bà con chịu nghe theo, anh nói: “Tôi hỏi bà con đã có ai thấy thuốc thư chưa? Bà con trả lời: Chưa ai thấy, chỉ nghe kể thôi. Tôi lại bảo: Tính mạng con người là quan trọng nhất, được pháp luật bảo vệ. Ai xâm phạm sức khỏe, tính mạng con người là vi phạm pháp luật, Công an bắt để xử lý. Còn “thuốc thư” có hay không thì chưa có cơ sở để khẳng định. Bà con cứ về đi, cứ tin ở Chrứ, tin cơ quan Công an sẽ xử đúng người, đúng tội. Còn bà con làm thế này là ngăn cản cơ quan chức năng làm nhiệm vụ, là vi phạm pháp luật đó”.
Trò chuyện cùng chúng tôi trong buổi cấp chứng minh nhân dân cho người dân làng Pờ Yầu hôm ấy, Thượng tá Y Mai Anh-Trưởng Công an huyện Mang Yang-nhận xét: “Điều đáng quý ở đồng chí Chrứ là rất giàu tình thương với bà con dân làng. Anh có đức tính khiêm tốn, chịu khó học hỏi, trách nhiệm với công việc và có tinh thần đồng chí, đồng đội rất cao. Vì vậy, anh cũng nhận lại sự quý mến của bà con dân làng và anh em cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Nhiều năm qua, đồng chí liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành”.
3. Ánh trăng tỏa xuống những ngôi nhà sàn đang chìm trong tĩnh lặng khiến làng Pờ Yầu đẹp như một bức tranh. Ở sân trường tiểu học, dân làng lục tục đem rượu cần đến giao lưu với cán bộ Công an. Một chiếc loa bluetooth được Công an huyện mang theo để chuẩn bị cho phần văn nghệ. Không khí thật sôi nổi và ấm cúng.
Yin đến cùng một số thanh niên trong làng rồi dành phần lớn thời gian để tranh thủ hàn huyên với anh Chrứ. Chrứ động viên Yin rằng Pờ Yầu giờ đã có đường bê tông giúp đi lại, giao thương thuận lợi, Yin hãy cố gắng chăm chỉ làm lụng nuôi con, cho con đi học để sau này về giúp làng thoát nghèo. Rồi anh kể, khi xưa, để tìm được cái chữ, anh và bạn bè đồng trang lứa phải đi bộ vượt 20 km từ nhà đến trường. Nhiều lúc nản, muốn bỏ học, nhưng được gia đình động viên, anh lại cố gắng vượt khó học hành. Có lần, cha anh đến trường thăm, xem anh học hành thế nào rồi lại cuốc bộ về. “Lúc ông rời khỏi trường, anh thương lắm. Tự nhủ phải học hành đến nơi, đến chốn, không phụ sự kỳ vọng của cha, để sau này giúp đỡ gia đình, giúp đỡ bà con”-nghe anh Chrứ nói, gương mặt Yin thật trầm ngâm. Có lẽ, người thanh niên ấy hiểu rằng mình cần quyết tâm như thế nào để gia đình no ấm hơn, làng Pờ Yầu cũng ngày một tươi sáng hơn.        
THÚY TRINH

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.