Làng Pốt thoát nghèo nhờ trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ tích cực trồng rừng sản xuất, người dân làng Pốt (xã Song An, thị xã An Khê) có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Hiện cả làng chỉ còn 2 hộ nghèo.

 

Phát triển nghề trồng rừng

Ông Võ Văn Thanh-Bí thư chi bộ làng Pốt-cho hay: Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ cây-con giống, kỹ thuật chăn nuôi, đặc biệt là giới thiệu mô hình trồng rừng sản xuất, dân làng Pốt đã có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế ngày một phát triển. Trong làng hiện có 65/74 hộ trồng rừng với tổng diện tích gần 110 ha, trong đó, hơn 20 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như gia đình các ông: Đinh Mưa, Đinh Văn Hùng… Hiện làng chỉ còn 2 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo.

Vừa bán hơn 2 ha keo được gần 200 triệu đồng, gia đình anh Đinh Bắc quyết định xây lại căn nhà, dự kiến cuối tháng 5 sẽ hoàn thành. Anh Bắc phấn khởi chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 8 ha đất, phần lớn là ở khu vực đồi núi. Năm 2011, tôi chuyển đổi 2 ha đất chuyên trồng bắp, mì sang trồng keo. Đến năm 2015, rừng keo cho thu gần 50 triệu đồng. Có tiền, tôi sửa sang căn nhà sàn cũ và mua bò, dê, cây giống… Những năm sau, tôi chuyển đổi dần. Đến nay, tôi trồng được hơn 7 ha keo, hàng năm đều có thu hoạch. Ngoài trồng rừng sản xuất, gia đình tôi còn chăn nuôi bò, dê. Từ đó mà kinh tế ngày một khấm khá, có tiền lo cho các con ăn học, xây dựng nhà cửa”.

  Ông Đinh Mưa (làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê) bên vườn keo của gia đình. Ảnh: N.M
Ông Đinh Mưa (làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê) bên vườn keo của gia đình. Ảnh: N.M



Cũng bắt đầu chuyển đổi sang trồng rừng từ năm 2011, đến nay, anh Đinh Đang có 15 ha keo, bạch đàn. Theo chu kỳ 3-4 năm, hầu như năm nào gia đình anh cũng đều có thu nhập. Anh bộc bạch: “Thấy bà con trong làng trồng rừng, mình bắt chước trồng theo, mỗi năm một ít, đám nào lớn đến tuổi thì mình bán. Mình vừa bán 5 ha, trừ chi phí thu về gần 400 triệu đồng”. Tận dụng bìa rừng, bãi cỏ, anh Đang còn nuôi 9 con trâu, 8 con bò, 12 con dê và dựng trại nuôi hàng trăm con gà.

Theo anh Đang, trồng rừng sản xuất không đòi hỏi kỹ thuật, công chăm sóc mà chi phí lại thấp, chỉ khoảng 8-10 triệu đồng/ha bao gồm giống, công trồng. Chỉ vất vả 2 năm đầu phát cỏ, trồng dặm. Tùy theo diện tích, sản lượng mà lợi nhuận thu về khoảng 50-80 triệu đồng/ha. “Ngoài giá trị về kinh tế, cây keo còn có tác dụng chống xói mòn, cải tạo đất nên bà con trong làng đã chuyển đổi diện tích trồng mì, bắp kém hiệu quả sang trồng loại cây này”-anh Đang nói.

Tích cực chuyển đổi cây trồng

Nhanh tay đảo bạt lúa đang phơi, chị Đinh Thị Biêu kể: “Năm nay hạn hán, 5 sào lúa thu hoạch chỉ được 15 bao, không biết có đủ ăn tới vụ sau không. 2 ha bắp cũng héo khô. May mà hồi đầu năm bán 2 ha cây keo được gần 200 triệu đồng mới có tiền chi tiêu, mua 3 con bò. Số tiền còn lại tôi để dành sang năm đầu tư mua giống tiếp tục chuyển đổi 2 ha đất đang trồng bắp sang trồng keo, nâng tổng diện tích cây keo, bạch đàn lên 5 ha. Năm 2015, tôi xây được ngôi nhà khang trang này cũng nhờ tiền bán keo”.

Chị Đinh Thị Biêu (làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê) xây nhà khang trang từ tiền bán cây keo. Ảnh: Ngọc Minh
Chị Đinh Thị Biêu (làng Pốt, xã Song An, thị xã An Khê) xây nhà khang trang từ tiền bán cây keo. Ảnh: Ngọc Minh



Chuyển đổi từ cây nông nghiệp sang cây lâm nghiệp gần 10 năm, đến nay, gia đình ông Đinh Mưa cũng có 6 ha keo và 1 ha bạch đàn. Chỉ tay sang đám keo 3 năm tuổi, ông Mưa nói: “Sau khi thu hoạch, tôi sẽ chuyển đổi khoảng 8 sào đất gần suối sang trồng dừa, quýt đường xen cây dứa. Tôi đã đi tham quan mô hình này của một số hộ quanh đây thấy khá hiệu quả”.

Ông Nguyễn Lê Tiến-Phó Chủ tịch UBND xã Song An-cho biết: Ruộng, rẫy của bà con làng Pốt phần lớn ở khu vực đồi núi có độ dốc cao khiến việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, do liên tục sản xuất nên đất cũng bị bạc màu dẫn đến cây trồng chậm phát triển. Thực hiện chủ chương của Đảng và Nhà nước, xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác, trong đó có cây keo và cây bạch đàn. Những năm qua, 2 loại cây này có giá cả và đầu ra ổn định, mang lại nguồn thu nhập cao hơn so với cây mì, bắp.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, ngành chức năng trong việc phòng-chống cháy rừng, bảo vệ môi trường rừng; vận động người dân không bán cây non; chỉ đạo cán bộ nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ bà con trong việc chọn mua cây giống tại các cơ sở có uy tín; tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây keo… Đồng thời, chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không chuyển đổi ồ ạt sang trồng một loại cây mà đa dạng các loại để hạn chế rủi ro”-Phó Chủ tịch UBND xã Song An thông tin thêm.

 

 NGỌC MINH
 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.