Ia Pal định hình xã nông thôn mới nâng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xã Ia Pal (huyện Chư Sê) là một trong 6 xã trên địa bàn tỉnh đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao trong năm 2020. Dù gặp nhiều áp lực do một số tiêu chí đạt thấp so với quy định mới nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ia Pal đang quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
Theo ông Lê Hữu Thiện-Chủ tịch UBND xã Ia Pal, tính đến nay, xã chỉ còn 5 tiêu chí trong Bộ tiêu chí NTM nâng cao chưa đạt gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, hộ nghèo và y tế. Để hoàn thành các tiêu chí này vào cuối năm nay là nhiệm vụ không hề dễ đối với xã trong bối cảnh kinh tế của người dân đang gặp nhiều khó khăn do hồ tiêu, cà phê mất mùa, rớt giá, bị chết do dịch bệnh. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã mới đạt 38 triệu đồng. Để đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao là 42 triệu đồng/người/năm, xã xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Theo đó, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác. Nhờ vậy, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế vườn, chăn nuôi và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tín dụng trong phát triển kinh tế.
Nhãn trái vụ của gia đình ông Dương Công Lãm rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Q.T
Nhãn trái vụ của gia đình ông Dương Công Lãm rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: Q.T
Mô hình trồng nhãn trái vụ xen với cây dược liệu của hộ ông Dương Công Lãm (thôn Phú Cường) là một điển hình về phát triển kinh tế ở xã Ia Pal. Trước tình trạng cây cà phê, hồ tiêu không còn đem lại hiệu quả kinh tế, cách đây hơn 5 năm, ông Lãm đã mạnh dạn chặt bỏ toàn bộ hơn 1 ha chuyển sang trồng 1.000 cây nhãn và trồng xen cây đinh lăng. Với thâm niên trồng nhãn hơn 20 năm, ông đã áp dụng kỹ thuật để ép vườn nhãn ra quả trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. “Với 1.000 cây nhãn, mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 30 tấn quả, giá bán tại vườn dao động từ 27 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/kg. Chi phí đầu tư trồng, chăm sóc nhãn thấp hơn rất nhiều so với trồng cà phê, hồ tiêu. Đặc biệt, trồng nhãn còn không tốn công thu hoạch bởi đến vụ thì thương lái tới tận vườn mua và tự hái”-ông Lãm cho hay.
Đánh giá về mô hình kinh tế của gia đình ông Lãm, ông Nguyễn Văn Nghiêm-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Pal-cho biết: “Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế khá cao. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham quan, học tập và áp dụng mô hình này vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, chúng tôi sẽ vận động các hộ trồng nhãn tham gia thành lập tổ nông hội để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như từng bước nâng cao chất lượng, tạo đầu ra ổn định hơn cho sản phẩm”.
Ông Dương Công Lãm (bên phải). Ảnh: Q.T
Ông Dương Công Lãm (bên phải). Ảnh: Q.T
Bên cạnh tiêu chí thu nhập và hộ nghèo thì xã Ia Pal cũng đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện tiêu chí giao thông. Chủ tịch UBND xã cho biết, đây là tiêu chí cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sử dụng nhiều nguồn lực. Thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm, đảm bảo “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia làm đường giao thông nông thôn, đóng góp công sức vào việc quản lý, bảo vệ đường giao thông nông thôn, tham gia tu sửa các đoạn đường thường xuyên hư hỏng... Cụ thể, xã sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư của các cấp và huy động sự đóng góp của nhân dân để cứng hóa đường giao thông nội đồng tại 4 thôn, làng với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp 415 triệu đồng; tiến hành duy tu, bảo dưỡng 3 trục đường nội thôn với kinh phí gần 1 tỷ đồng; cứng hóa đường trục thôn Ia Pết với chiều dài 70 m nhằm đảm bảo đạt chuẩn NTM nâng cao theo quy định… Đồng thời, xã sẽ đầu tư một số trang-thiết bị phục vụ nhu cầu luyện tập thể dục thể thao của người dân; hỗ trợ triển khai các mô hình phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập, giảm tỷ lệ nghèo…
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có cùng sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, tin rằng xã Ia Pal sẽ hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2020.
QUANG TẤN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.