Hướng đến thương hiệu dược liệu Chư Sê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Huyện Chư Sê đang tập trung phát triển cây dược liệu nhằm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị bền vững. Những kết quả khả quan ban đầu là cơ sở để huyện hướng đến xây dựng thương hiệu dược liệu Chư Sê vào năm 2025.
Xác định cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tháng 4-2019, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có cây dược liệu. Theo đó, huyện đã xây dựng vùng trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao làm mô hình kiểu mẫu. Hiện nay, huyện đang triển khai dự án đầu tư trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao với diện tích 16,2 ha. Các hộ dân tham gia dự án được hỗ trợ về cây giống để trồng với trị giá 40 triệu đồng/ha. Dự án nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao cho người dân trên địa bàn; đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
 Người dân xã Ia Tiêm đang chăm sóc cây cà gai leo. Ảnh: N.T
Người dân xã Ia Tiêm đang chăm sóc cây cà gai leo. Ảnh: N.T
Trước đó, vào tháng 12-2019, huyện Chư Sê đã đầu tư 400 triệu đồng hỗ trợ người dân xã Ia Tiêm trồng 18 ha hà thủ ô đỏ và cà gai leo. Đến nay, diện tích cà gai leo đã cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 3 tấn khô/ha, giá bán 20-25 ngàn đồng/kg. Cây cà gai leo trung bình cho thu 3 vụ/năm, lợi nhuận đạt khoảng 30 triệu đồng/ha/vụ. Ông Lê Hùng Vương (làng Ia Ring, xã Ia Tiêm) cho biết: “Tôi được hỗ trợ giống trồng 10 ha cà gai leo và hà thủ ô đỏ. Đây là các loại cây dược liệu dễ trồng, phát triển nhanh. Chính quyền địa phương cũng luôn hỗ trợ kỹ thuật kịp thời để xử lý sâu bệnh trên cây dược liệu. Đồng thời, cây dược liệu được trồng dưới tán cà phê tái canh nên tận dụng tốt được quỹ đất, đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, tôi đang thu hoạch cây cà gai leo, dự tính sản lượng tăng hơn 20% so với những lần trước”.
Trên địa bàn huyện Chư Sê hiện có khoảng 350 ha dược liệu của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp bao gồm các loại: hà thủ ô đỏ, cà gai leo, đương quy… được trồng xen dưới tán các loài cây, tập trung nhiều ở xã Ia Hlốp, Ia Ko, Ia Tiêm. Thực tế cho thấy, cây dược liệu không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng cần đảm bảo đúng quy trình canh tác để đạt chất lượng. Tuy nhiên, việc trồng cây dược liệu vẫn còn những khó khăn nhất định. Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: Vì đây là cây trồng mới nên chưa có quy trình chuẩn trong canh tác. Việc triển khai trồng cây dược liệu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp, hợp tác xã nên rất khó để triển khai theo quy trình. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT nên ban hành quy trình để triển khai. Mặt khác, do chưa có kinh nghiệm, cộng với chi phí đầu tư ban đầu về giống tương đối lớn (khoảng 100 triệu đồng/ha) nên người dân chưa mạnh dạn tham gia trồng dược liệu.
Cà gai leo dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phát triển tốt và cho thu hoạch 3 tấn khô/ha. Ảnh: N.T
Cà gai leo dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phát triển tốt và cho thu hoạch 3 tấn khô/ha. Ảnh: N.T
Cũng theo ông Hợp, thời gian tới, huyện Chư Sê sẽ tập trung phát triển mạnh diện tích cây dược liệu, ưu tiên những hộ có diện tích hồ tiêu chết, đang tái canh cà phê đề trồng xen nhằm “lấy ngắn nuôi dài”, đa dạng hóa cây trồng, ổn định cuộc sống. “Về phát triển cây dược liệu, huyện định hướng theo lộ trình phát triển dược liệu của tỉnh, đến năm 2025 sẽ xây dựng thương hiệu dược liệu Chư Sê. Dự kiến trong năm 2020, diện tích cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt khoảng 50 ha, năm 2025 đạt 250 ha. Bên cạnh đó, huyện đầu tư khoảng 2 tỷ đồng/năm để hỗ trợ về giống và thiết bị tưới cho người dân tham gia trồng dược liệu công nghệ cao. Đồng thời, huyện kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, Hợp tác xã Quang Minh, Công ty Dược liệu Gia Định… đã xây dựng các nhà máy sơ chế dược liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm được tốt hơn. Cùng với đó, huyện sẽ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao, kết hợp sản xuất giữa nông dân các xã trong vùng dự án với các doanh nghiệp và hợp tác xã đứng chân trên địa bàn”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thông tin thêm.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.