Tiếng loa phòng dịch trên biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 1 tuần qua, người dân xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ) đã quen thuộc với hình ảnh cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan chở theo phía sau xe máy 1 chiếc loa phát liên tục các nội dung tuyên truyền liên quan đến công tác phòng-chống dịch Covid-19 ở khắp các đường làng, ngõ xóm.

 

Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan chở loa đi tuyên truyền ở khu vực chợ xã. Ảnh: A.H
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan chở loa đi tuyên truyền ở khu vực chợ xã. Ảnh: A.H


Ông Rơ Châm Tưng-Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan: “Tiếng loa Biên phòng” được triển khai theo hình thức “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng nên rất thiết thực, bổ ích. Thông qua mô hình, người dân trên địa bàn, nhất là 3 làng đồng bào dân tộc thiểu số đã nghe, hiểu về mức độ nguy hiểm của dịch Covid-19 và chấp hành nghiêm các quy định.

“Thưa bà con, để phòng-chống dịch Covid-19, ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị cách ly toàn xã hội trong 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 1-4 đến ngày 15-4-2020 trên phạm vi cả nước. Từ 0 giờ ngày 1-4 tạm thời đóng cửa tất cả các cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia...”. Những âm thanh ấy được phát lặp đi lặp lại bằng 2 thứ tiếng Kinh và Jrai để tất cả người dân trong xã đều có thể nghe, hiểu. Nói về mô hình “Tiếng loa Biên phòng”, Đại úy Phan Trung Tình-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Nan-cho biết: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tuyên truyền tập trung đông người không còn phù hợp, tuyên truyền nhỏ lẻ lại không phát huy hiệu quả. Do đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn xác định phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động. Để không gây nhàm chán về nội dung và hình thức tuyên truyền, ngoài việc treo các khẩu hiệu, pa nô, áp phích, đơn vị đã triển khai mô hình “Tiếng loa Biên phòng”.

Tận dụng chiếc loa sẵn có, đơn vị đã làm thêm 1 chiếc hộp gỗ bên ngoài có sơn màu xanh, màu đặc trưng của Bộ đội Biên phòng. Phía sau chiếc hộp có ghi dòng chữ “Tiếng loa Biên phòng” và hai bên hông là các dòng chữ: “Yêu Tổ quốc yêu đồng bào, ai ở chỗ nào ở yên chỗ đó”, “Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng-chống dịch Covid-19”. Tranh thủ sáng sớm và chiều tối, cán bộ, nhân viên Đội Vận động quần chúng chở chiếc loa phía sau xe máy chạy dọc các tuyến đường và phát các nội dung tuyên truyền đã được thu âm sẵn. Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Nan cho hay: Mỗi ngày, đơn vị sẽ tuyên truyền khoảng 2 giờ (sáng từ 5 giờ 45 phút đến khoảng 6 giờ 45 phút; chiều từ 17 giờ 15 phút đến 18 giờ 15 phút) ở 4 thôn, làng và hôm sau lại tiếp tục ở các thôn, làng còn lại. Ở những khu vực tập trung đông người, cán bộ phụ trách “Tiếng loa Biên phòng” sẽ chạy xe chậm và phát đi phát lại các nội dung tuyên truyền để người dân nghe, hiểu và tự giác chấp hành. “Tùy vào tình hình thực tế, đơn vị sẽ xây dựng nội dung tuyên truyền cho phù hợp. Riêng trong giai đoạn hiện nay, đơn vị tập trung tuyên truyền về công tác phòng-chống dịch Covid-19, nhắc nhở người dân không ra đường khi không thật cần thiết, không tụ tập đông người và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; vận động người dân khai báo y tế đầy đủ và nếu có người thân từ nơi khác về thì báo chính quyền địa phương”-Đại úy Tình thông tin thêm.

Mặc dù mới triển khai chưa lâu, song “Tiếng loa Biên phòng” của Đồn Biên phòng Ia Nan đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân lẫn cấp ủy, chính quyền địa phương. Ông Phạm Văn Xuân-chủ quầy hàng bán thịt bò tại chợ xã Ia Nan-bày tỏ: “Tôi thấy mô hình này rất thiết thực. Bà con buôn bán trong chợ hàng ngày đều nghe thông tin phát ra từ chiếc loa và ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành, nhất là việc đeo khẩu trang để phòng ngừa dịch bệnh, buôn bán nhưng không tụ tập, phải dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ”. Tương tự, anh Ksor Thuen (làng Nú) bộc bạch: “Nhờ có “Tiếng loa Biên phòng”, mình đã hiểu rõ hơn về tình hình dịch Covid-19 và luôn nhắc nhở con cháu ở yên trong nhà, không ra đường. Mình cũng gọi điện thoại cho người thân, anh em ở các làng khác không đến chơi nhà nhau trong lúc này để phòng dịch”.

 

 ANH HUY



 

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.