Chư Sê thuở ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xê dịch là đặc điểm nổi bật của con người. Có rất nhiều lý do khiến ta phải xê dịch: Tao loạn nên ly hương tìm đến những miền đất mới yên ổn làm ăn; công cuộc mưu sinh rày đây mai đó; tham quan, du lịch đến với danh lam, thắng cảnh… Để rồi những nơi ấy đọng lại trong ký ức, gọi tên thành kỷ niệm, thành nỗi nhớ nơi trái tim mỗi người. Lòng tôi cũng có nhiều nỗi nhớ, trong đó có thị trấn Chư Sê.
Thị trấn Chư Sê trong nỗi nhớ của tôi thuộc về đoạn đời hơn 20 năm trước. Lần đầu tôi về giảng dạy ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Nằm trong khuôn viên chừng 2 ha, Trung tâm gồm những dãy nhà ngang dọc: ký túc xá dành cho học viên, hội trường và khu nhà làm việc. Tất cả xập xệ mục nát như nhau, vào mùa khô vẫn vương mùi ẩm mốc bởi ít được bàn tay con người chăm sóc, phần đất trống cỏ dại cứ tự nhiên mà phát triển. Vài cơn mưa đầu mùa đổ xuống, cành khô lá úa gãy đổ ngổn ngang, mầm xanh mơn mởn non tơ bật thức. Tiềm sinh từ đất ẩm, củi mục, sâu róm từng đàn sinh sôi. Chúng bò từng đàn trên nền đất, nhành cây, vào phòng, trên các vật dụng như thể tìm gặp cố tri khiến nhiều người không tài nào nén được cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng khi nhìn thấy. Đêm xuống, muốn “trốn chạy” nỗi buồn hoang vắng nơi nhà khách của Trung tâm, vùng thoát khỏi không gian quạnh quẽ của phố huyện thì chỉ còn cách nằm nghe tắc kè chặc lưỡi, lâu lâu lại có tiếng động cơ ô tô lướt ngang trên con lộ!
Một góc thị trấn Chư Sê ngày nay. Ảnh: NGỌC SANG
Một góc thị trấn Chư Sê ngày nay. Ảnh: NGỌC SANG
Một buổi chiều, theo lịch giảng và học tập, lớp tự nghiên cứu. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi xe máy độc hành “khám phá” phố huyện. Thị trấn nhỏ, khu vực trung tâm ngã ba Cheo Reo lô nhô nhà cao thấp mang dấu ấn xây dựng đủ phong cách: xập xệ vách ván mái lợp tôn từ những năm chiến tranh, tường xây mái ngói tù túng bó hẹp thời bao cấp, nhà mái bằng mái lợp tô đá rửa giai đoạn cận sau đổi mới. Bến xe Chư Sê chiều tháng tư nắng ong vàng như soi từng ngõ ngách cho cái sự nhếch nhác vốn dĩ được dịp hiện ra. Hòa trong tiếng ve ngân từng hồi trên những tán phượng là tiếng mời gọi, tranh đón khách lên xe đò, xe ôm; lời chào mời tranh bán, tranh mua của các chị hàng quà rong cho không gian thêm ồn ào, hoạt náo. Tôi ghé chợ Chư Sê. Bên trong chợ, mấy dãy lều lúp xúp trên nền xi măng bong lở với ít ỏi hàng quần áo, lương thực, thực phẩm, nông sản địa phương… Xung quanh chợ, cây cỏ dại um tùm, có mấy chú heo đen trũi lang thang.
Tôi nhớ một Chư Sê cuối thị trấn, trên đường 17-3 (quốc lộ 25) đoạn giáp ranh với xã Ia Pal. Nơi ấy có hàng muồng vàng lâu năm dọc vườn cà phê bên đường rợp bóng. Tháng tư, bóng nắng đổ dồn. Dừng chân trốn nắng và ngắm. Khí trời nơi này dịu mát hẳn. Dưới tán lá xanh ngợp, vài tia nắng như rơi như rụng. Dẫu biết Tây Nguyên vào chớm mùa mưa có “đặc sản” hoa muồng vàng và bướm vàng nhưng ở đây quang cảnh rất ấn tượng: hoa và bướm như lẫn vào nhau, nhiều vô kể, không riêng ngày nào, vào lúc trời còn nắng. Bướm vàng cánh mỏng được nở ra từ hàng muồng dễ chừng đến cả 100 cây. Chúng rủ nhau tìm đến hội tụ cùng đồng loại, nhiều đến nỗi người lần đầu trông thấy, yếu bóng vía dễ có cảm giác liêu trai, rùng mình!
Công tác chỉnh trang đô thị luôn được huyện Chư Sê quan tâm thực hiện. Ảnh: NGỌC SANG
Công tác chỉnh trang đô thị luôn được huyện Chư Sê quan tâm thực hiện. Ảnh: NGỌC SANG
Tôi nhớ một thị trấn Chư Sê có những người bạn vong niên yêu văn chương, làm thơ và viết nhạc. Cái dạo anh Tạ Chí Tào còn chưa mắc bạo bệnh, thi thoảng chúng tôi hẹn nhau ngồi nhà anh trên đường Hùng Vương, cách ngã ba Cheo Reo không xa lắm về hướng Đông. Không gian sân vườn nhà anh Tào thoáng đãng, bài trí đậm chất miền quê Trung Bộ, cà phê thức uống lại sẵn (quán giải khát mà). Ngoài mấy anh em nhà ở thị trấn như An Sinh, Nguyễn Thế Bính, Lê Ngọc Tâm, Phan Thị Chín…, không thể thiếu “Gã ung thư thơ, nhạc giai đoạn cuối” Hồ Hoàng Vinh (như anh tự xưng) từ xã Ia Hlốp chạy đến để tạo không khí văn nghệ, để truyền cảm hứng thơ nhạc.
Thị trấn Chư Sê bây giờ đổi khác từng ngày. Đường phố rộng, có dải phân cách, đèn hoa, vỉa hè khang trang dành cho ai có nhu cầu đi bộ. Nhà cao tầng chen nhau. Phong phú mặt hàng bán buôn, đủ các dịch vụ. Công viên Kpă Klơng rợp bóng cây xanh làm chỗ nghỉ chân cho khách bộ hành, nơi vui chơi giải trí cho người dân thị trấn. Những con đường cắt ô bàn cờ nằm sau quốc lộ được quy hoạch ngăn nắp… Chừng như, thị trấn Chư Sê đang căng mình giãn nở để lấy diện tích cho nhu cầu dân sinh đông đảo, hối hả điểm tô cho diện mạo một thị xã tương lai.
NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.