Phòng-chống dịch bệnh trong vùng dân tộc thiểu số: Linh hoạt, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, công tác tuyên truyền về phòng-chống dịch Covid-19 được đẩy mạnh trên địa bàn tỉnh, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều hình thức phong phú, trực quan, giúp người dân nắm vững thông tin và chung tay phòng-chống dịch bệnh.
LINH HOẠT TRONG TUYÊN TRUYỀN
Một bộ phận bà con dân tộc thiểu số còn hạn chế trong sử dụng tiếng phổ thông nên không phải ai cũng nghe và hiểu hết được những khuyến cáo của Bộ Y tế về cách phòng-chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, cán bộ cơ sở đã linh hoạt áp dụng nhiều cách thức để tuyên truyền mọi lúc, mọi nơi với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hành giúp người dân chủ động phòng tránh.
Khi được hỏi về dịch Covid-19, bà Rơ Mah H’Síp (làng Mook Trang, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) chỉ hiểu nôm na rằng dịch bệnh này xuất phát từ Trung Quốc, rất nguy hiểm, lây lan nhanh… Về các biện pháp phòng tránh, bà H’Síp nói: “Cán bộ đến tuyên truyền thường xuyên, hướng dẫn mình rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người, vệ sinh họng miệng bằng nước muối, không tụ tập đông người. Mình làm theo và nhắc nhở con cháu trong nhà cùng thực hiện”.
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) thực hành rửa tay đúng cách. Ảnh: N.N
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) thực hành rửa tay đúng cách. Ảnh: N.N
Ngoài được tặng nước rửa tay sát khuẩn, phát tài liệu tuyên truyền có nhiều hình ảnh sinh động trực quan về phòng-chống dịch Covid-19, chị Kpuih Hoa cùng bà con làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) còn được cán bộ y tế đến tận nhà hướng dẫn thực hành các biện pháp phòng-chống. Chị Hoa cho hay: “Nhân viên y tế tuyên truyền nhiều nên mình ý thức rõ dịch bệnh này nguy hiểm như thế nào. Mới đây, dân làng được một nhóm từ thiện tặng nước rửa tay sát khuẩn. Sau đó, nhân viên y tế đến tận nhà hướng dẫn cách sử dụng và rửa tay đúng cách, hướng dẫn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người… Mình có người bà con bên Campuchia, trước đây hay qua lại thăm hỏi nhưng sau khi nghe cán bộ Biên phòng tuyên truyền, mình đã hạn chế qua lại. Khi nào tình hình ổn định thì mới tính tiếp”-chị Hoa nói.
Không chỉ tuyên truyền về cách phòng tránh, nhân viên y tế còn hướng dẫn người dân những dấu hiệu nhận biết bệnh để khi có biểu hiện nghi ngờ thì cần đến ngay Trung tâm Y tế huyện thăm khám. Chị Rơ Châm Alui (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah) chia sẻ: “Được cán bộ tuyên truyền dễ hiểu, bà con nắm được thông tin cần thiết, thực hiện các biện pháp phòng bệnh và khi có dấu hiệu như sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế để khám kịp thời”.
CHUNG TAY PHÒNG-CHỐNG DỊCH BỆNH
Cùng với đội ngũ y tế, các trưởng thôn, già làng, người uy tín cũng tích cực làm nhiệm vụ tuyên truyền trong cộng đồng. Ông Siu Đim-Trưởng thôn Tung (xã Ia Nan) cho biết: “Cả thôn có 245 hộ, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Mình phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ Biên phòng đến từng gia đình tuyên truyền, kể cả gặp ở ngoài đường cũng tranh thủ nhắc nhở bà con tích cực tham gia phòng-chống dịch bệnh”.
Ông Đinh Duy Vượt- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai  trao đổi với trưởng thôn làng Tung, xã Ia Nan, Đức Cơ về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Ảnh: N.N
Ông Đinh Duy Vượt- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai trao đổi với trưởng thôn làng Tung, xã Ia Nan, Đức Cơ về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch. Ảnh: N.N
Trong khi đó, cũng huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị nên công tác tuyên truyền của xã Ia Ka được thực hiện rất tốt. Bà Rơ Châm H’Ken-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã-thông tin: Hội lồng ghép tuyên truyền về dịch bệnh trong các buổi sinh hoạt, các hội viên lại về tuyên truyền cho gia đình cùng thực hiện phòng-chống. Kênh thông tin từ báo đài và từ cán bộ địa phương tác động đồng thời nên người dân đều nâng cao ý thức.
Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng cũng thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền trực tiếp, kịp thời cho người dân. Thiếu tá Rơ Châm Tuynh-Đội trưởng Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh) cho biết: “Nhiều người dân tộc thiểu số trên địa bàn không nghe được tiếng phổ thông, nhất là người già. Thuận lợi của đội là có 3 cán bộ người địa phương nên công tác tuyên truyền giúp bà con nắm thông tin về dịch bệnh và cách phòng tránh cũng không gặp nhiều khó khăn”.
Theo ông Mai Xuân Hải-Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng-chống dịch Covid-19 tỉnh, cùng với các ban, ngành, đoàn thể, hơn 2.100 nhân viên y tế thôn, làng trên địa bàn tỉnh là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền về dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú trọng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh sẽ góp phần huy động sự chung tay của người dân nhằm phòng-chống dịch hiệu quả.  
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.