Đêm nghe cá quẫy trong hồ Ia Mlah

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vừa có dịp theo chân một nhóm người đi câu cá tại khu vực hồ chứa Ia Mlah (huyện Krông Pa). Một đêm ở lại trong rừng đã cho tôi những trải nghiệm thú vị. 
 Mắc mồi câu cá trong khu vực lòng Hồ Ia Mlá. Ảnh: H.S
Mắc mồi câu cá trong khu vực lòng Hồ Ia Mlá. Ảnh: H.S
Khi rảnh việc, nhiều người ở Gia Lai thường vào khu vực hồ chứa Ia Mlah câu cá bởi ở đó có nhiều loại cá to và đặc sản. Hôm ấy, địa điểm câu cá của nhóm bạn tôi là ở khu vực lòng hồ thuộc địa phận xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. 
19 giờ, chúng tôi đến địa điểm câu cá và hội quân với những người bạn từ xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) đã vào trước đó. Địa điểm được chọn làm nơi đặt cần là dưới những cây xoài to gần mép nước. 3 người bạn vào trước đã căng bạt dựng một chiếc lều, đốt lửa nấu cơm, nướng một ít thịt heo cùng con cá trôi khoảng 3 kg mới câu được. “Khu vực này trước chiến tranh là căn cứ địa cách mạng. Chỗ câu cá là cánh đồng lúa của người Jrai. Sau ngăn đập làm hồ thì Nhà nước đền bù rồi di dời dân về dưới xã ở. Trong hồ Ia Mlah có nhiều loại như: cá phá, cá lóc, cá trê, cá trôi, cá chép… Có người đã câu được con cá nặng gần 20 kg đấy. Riêng tôi từng câu được cá trôi nặng gần 10 kg, cá phá 2 kg”-anh Lê Quang Sáng (trú tại buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah) chia sẻ.
  2 con cá trôi câu được ở hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: H.S
2 con cá trôi câu được ở hồ Ia Mlah (huyện Krông Pa). Ảnh: H.S
Với một lần đi câu, các “cần thủ” phải chuẩn bị rất nhiều thứ, từ đồ câu, xoong nồi, gạo, mắm muối… Trong đêm tối tĩnh lặng, mỗi người chọn cho mình một góc để quăng mồi dụ cá. Nếu câu cá phá hoặc cá trê, cá lóc thì dùng mồi là giun, dế, lòng gà…; nếu câu cá trôi, rô phi, cá chép thì dùng mồi cám đã ủ chua. Thả xong mồi câu, họ tụ về đống lửa ngồi trò chuyện. Lâu lâu họ thăm cần hoặc chờ tiếng chuông báo gắn ở cần phát ra thì lao về phía cắm cần kéo cá lên.
Đêm giữa đại ngàn tĩnh lặng. Lâu lâu gió rừng thốc thốc thổi mang theo hơi nước hồ lạnh tê tái. Tôi cùng nhóm bạn câu quây quần bên ánh lửa bấp bùng sưởi ấm ăn tối. Một bữa ăn đáng nhớ với những sản vật của sông núi Krông Pa. 2 chiếc nồi được mang theo để nấu cơm và canh. Canh là rau dại mọc trong rừng. Thức chấm là một tổ kiến vàng mới bắt từ trên cây giã nhỏ với muối, ớt rừng, lá é, sả... Thức ăn là những con cá mới dính câu, thịt heo và một con gà. Chúng tôi vừa ăn tối vừa chuyện trò bên bếp lửa. Nhóm bạn câu mà tôi theo chân là những nông dân, công chức ở 2 xã Ia Mlah và Chư Rcăm. Với họ, đi câu là một hình thức xả stress trước áp lực công việc. “Thú vui này khá tốn kém. Tính sơ, một lần đi câu khoảng 2 ngày và 1 đêm, một người mang gần 20 kg cám làm mồi câu. Phải liên tục thả mồi nhưng có khi chả câu được con nào, coi như rải cám cho cá ăn. Nhưng khi câu được cá to thì sảng khoái lắm”-anh Kiểm (trú xã Chư Rcăm) nói. Anh Hoàng Văn Vũ (thôn Sông Ba, xã Chư Rcăm) thì bộc bạch: “Đây là lần thứ 6 tôi theo anh em đi câu cá. Năm rồi làm ăn thua lỗ hơn 200 triệu đồng. Ở nhà thêm bực dọc, cứ tự trách mình mãi nên xách cần đi câu. Chỗ câu vắng vẻ khiến mình tĩnh tâm hơn rồi suy tính cách làm ăn cho năm mới”.
Bữa ăn tối trong rừng. Ảnh: H.S
Bữa ăn tối trong rừng. Ảnh: H.S
Đêm khuya, lá rừng xào xạc, cá quẫy nước hồ, tiếng thú rừng ăn đêm thảng hoặc đánh động không khí tĩnh lặng của đại ngàn. Nhóm câu thôi mắc mồi và chuẩn bị chỗ ngủ. Đốt 2 đống lửa to ngoài lều bạt, mỗi chúng tôi tự chọn một góc nằm. Được một lát, chợt tôi tỉnh giấc khi nghe tiếng cười đùa phía bãi câu và tiếng gà rừng gọi nhau. Thì ra có một con cá trôi hơn 3 kg dính câu của anh Sáng. 
Buổi sáng giữa núi rừng, không khí trong lành nhưng lạnh, chúng tôi lại quây quần bên bếp lửa. Mọi người đang trò chuyện thì một chiếc cần câu của anh Vũ reo chuông rồi phóng đi như một mũi tên, chiếc cần chống bị kéo nằm sát mặt nước. Cả nhóm lao ra nơi đặt cần, còn anh Vũ lao nhanh xuống mặt nước theo hướng chiếc cần câu nhưng nó đã chìm trong hồ. Anh Vũ lên bờ rồi tếu táo: “Con cá sẩy là con cá to. Cả bộ đồ câu và cần trị giá gần 2 triệu đồng coi như đi tong. Mấy bữa không có cá đớp mồi cứ mong có cá cắn dù mất cần. Giờ thì thỏa nguyện. Cơ mà, đớn đau này thật là... dễ chịu”.
Một chiếc thuyền đến đón chúng tôi về xã Ia Mlah, trong khi nhóm bạn xã Chư Rcăm ở lại câu tiếp. Tôi cảm ơn những người bạn đã giúp tôi có một trải nghiệm thú vị giữa núi rừng Krông Pa. Một đêm ở giữa mênh mông sông núi mà không sử dụng những thiết bị, máy móc hiện đại lại tự thấy cuộc sống có nhiều điều ý nghĩa.
 NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.