Phố của mỗi người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh ra và lớn lên ở Pleiku, tôi tin là mình yêu Pleiku hơn những gì có thể diễn đạt bằng lời. Cho dù rất nhiều người đã đến với Pleiku và quay đi với ý nghĩ: nơi đó chẳng có gì hay. Không dễ để yêu Pleiku với thái độ hờ hững, như một người bạn tôi đã từng nói: “Nếu không có nhiều thiết tha thì khó yêu những bình dị của nơi này”.
Giữa tiết hanh hao của những ngày Tết, lần lượt từng người bạn đã rời xa Pleiku trở về. Chúng bạn ấy, có đứa năm nào cũng về vài bận, có đứa vài ba năm mới một lần quay lại, cũng có đứa đã rời đi rất lâu. Nhưng trong lòng mỗi người đều biết rõ, họ luôn có những ấp ủ một hình dáng riêng của chốn quê nhà.
Vì yêu thành phố này, đôi lúc như yêu luôn cả phần người khác, tôi vẫn âm thầm lang thang cùng phố, lang thang để gom lại những gì thân thương nhất trong thẳm sâu  ký ức của tôi, của bạn và của biết bao người. Yêu phố với những con dốc dài tràn sương mờ và nắng sớm. Bạn xa phố lâu rồi, vậy mà khi được hỏi nhớ gì nhất thì bao giờ câu trả lời cũng là những con dốc dài hun hút ấy. Còn gì thú vị hơn khi cùng lũ bạn lâu năm lang thang trên con dốc, tíu tít nói cười trong phấn khích hân hoan.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Phố trong anh bạn đã đi xa rất lâu là những đêm lộng gió mùa hè hay những ngày đông rét mướt xuýt xoa bên ly đậu nành nóng nơi vỉa hè. Cứ ngồi với nhau vậy thôi, ai nói cứ nói, ai cười cứ cười, bạn cứ trầm ngâm thưởng thức. Có lẽ không phải là ly đậu nành, mà bạn đang thưởng thức hương vị của ngày xưa, của những thơ ấu ngọt ngào.
Kỳ lạ thay, phố trong lòng anh tôi là những ngày mưa dầm dề đến thối đất thối trời. Đi xa Pleiku đã lâu, nếu có về thì anh cũng nhất định phải canh đúng mùa mưa mới thỏa. Đất trời cứ phải âm u như thế, ẩm ướt như thế mới là Pleiku của anh. Ngồi với nhỏ em, anh thủ thỉ kể những vui đùa của những ngày thơ bé, mặc kệ những trượt ngã, ẩm ướt và lạnh cóng tay chân.
Với nhiều người bạn, có những cuộc tình trẻ con chóng vánh đã qua rất lâu mà vẫn nhớ mãi không nguôi. Vì sao ư? Chỉ vì đã đi cùng nhau qua phố, dù không hứa hẹn gì. Vậy mà vẫn cứ tha thiết nhớ, nhìn phố là nhớ người xưa đến thẫn thờ.
Hay nhớ phố chỉ bởi những giọt đắng. Bên ly cà phê, những câu chuyện dường như chẳng bao giờ kết thúc, dẫu trời có tắt nắng đi rồi. Họ kể về ngày hoa dã quỳ bừng sáng trên những triền đồi, về từng đàn bướm vàng cứ chấp chới bay trong mùa, về bầu trời Tây Nguyên trong xanh thao thiết. Giá cứ mãi ngồi bên nhau như thế, nghe nắng rực rỡ và gió mát lùa trong lòng tay, nghe hàng thông dài vi vu hát. Để níu giữ cả một vùng thanh xuân của bất cứ ai đã từng sống nơi này.
Phố có tàn phai không? Câu trả lời là có! Mỗi nỗi buồn là một tàn phai. Buồn của những người da diết với phố mà không thể về, hoặc chỉ có thể chóng vánh ghé ngang mà không kịp chạm đến những tâm tư, những yêu thương chất chứa. Buồn của những người cố muốn đi xa phố càng xa càng tốt, chỉ vì muốn quên…
Mỗi sự lãng quên cũng là một tàn phai. Bạn ơi, tớ quên mất tên chị bán bánh mì trước cổng trường mình rồi, quên cả gương mặt nhỏ bạn ngồi bàn bên cạnh, quên tên những con đường mà chúng mình đã từng đi qua, những kỷ niệm đẹp mà chúng ta từng có. Buồn thế! Có ai còn nhớ không, để những tàn phai kia không trượt dài theo phố?
Vậy nên, tôi vẫn âm thầm ngày qua ngày cùng bạn bè gom góp, vun vén ký ức của nhau. Chỉ ngày mai thôi thì phố của tôi và mọi người đã khác rồi. Lúc ấy, biết đâu không còn ai gọi ai nữa!
Phố nuôi dưỡng trong lòng mỗi người những nỗi niềm riêng. Niềm vui, hạnh phúc và cả nỗi buồn, dường như từ phố mà ra, và cũng từ phố mà mất đi.
THI GIANG

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.