Krông Pa: Vượt khó để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh nhưng huyện Krông Pa, Gia Lai vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong năm 2019. Đây là bước “chạy đà” quan trọng để huyện phấn đấu hoàn thành kế hoạch 5 năm (2016-2020).



Kinh tế tăng trưởng khá

Năm 2019, kinh tế của huyện Krông Pa tiếp tục trăng trưởng khá. Về nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng của huyện đạt 47.082 ha (đạt 104% kế hoạch); tổng đàn bò trên 62.500 con (đạt 108% kế hoạch), đàn dê gần 16.000 con (đạt 110% kế hoạch), đàn heo trên 8.900 con (đạt 46,2% kế hoạch). Giá trị sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp đạt 950 tỷ đồng (đạt 103,2% kế hoạch) với những sản phẩm chủ yếu như: điện sản xuất hơn 204 triệu kwh, điện thương phẩm hơn 47,9 triệu kWh, nước máy sản xuất 1,5 triệu m3, đá khai thác 60 ngàn m3, cát sỏi khai thác 190 ngàn m3, chế biến hạt điều 1.100 tấn, chế biến tinh bột mì 135 ngàn tấn…

Đặc biệt, dù hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ cá thể bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế, giá cả nhiều mặt hàng nông sản giảm song kết thúc năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện vẫn đạt hơn 36,9 tỷ đồng (đạt 114% kế hoạch HĐND huyện giao và đạt 116% kế hoạch tỉnh giao). Nguồn thu ngân sách chủ yếu  của huyện gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thu phí và lệ phí, thu lệ phí trước bạ, tiền sử dụng đất...

  Thi công hệ thống thoát nước và lát vỉa hè đường Trần Phú (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Ảnh: H.N
Thi công hệ thống thoát nước và lát vỉa hè đường Trần Phú (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa). Ảnh: H.N



Ông Nguyễn Hữu Tuấn-Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Krông Pa-cho biết: Để đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách HĐND huyện và tỉnh giao, ngay từ đầu năm, Chi cục Thuế huyện đã tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp trong công tác thu; chống thất thu ngân sách và thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. “Ngành Thuế huyện và các cơ quan chuyên môn đã phối hợp triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về thuế; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch đã được phê duyệt; xử lý nợ đọng thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách nhà nước. Ngành cũng tăng cường rà soát, thống kê các hộ đã được cấp giấy phép kinh doanh với danh sách đăng ký thuế để đưa vào bộ quản lý thu, thu đầy đủ bộ thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài nguyên theo đúng thực tế phát sinh; đưa vào lập bộ thu thuế chống thất thu ngân sách trên địa bàn huyện trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, khai thác tài nguyên…”-ông Tuấn thông tin.

Từng bước hoàn thiện hạ tầng cơ sở

Năm 2019, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản của huyện Krông Pa từ các nguồn ngân sách trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh và ngân sách địa phương là hơn 150,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia 54,2 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 32 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện hơn 64,4 tỷ đồng. Trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư được giao, UBND huyện đã phân bổ vốn đầu tư cho xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, chỉnh trang đô thị, sửa chữa kênh mương nội đồng và các cơ sở hạ tầng thiết yếu. Ông Nguyễn Thanh Vân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-cho biết: Trên địa bàn huyện có 2 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài hơn 78 km thường xuyên được duy tu bảo dưỡng và nâng cấp. Trong năm qua, huyện đã đầu tư hoàn thành 6 cầu dân sinh, thi công mới 31 km đường bê tông xi măng và nâng cấp sửa chữa 8 km đường nội thị. Hệ thống giao thông trên địa bàn nhờ đó được kết nối thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Ông Trần Ngọc Khôi-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện-cho biết: Năm 2019, đơn vị được giao làm chủ đầu tư 20 công trình với tổng kinh phí hơn 59,4 tỷ đồng. Trong đó, một số công trình trọng điểm như đường liên xã vào xã Đất Bằng và xã Ia Rsai; đường nội thị thị trấn Phú Túc; lát vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Trần Phú, Hai Bà Trưng (thị trấn Phú Túc)… “Để các công trình trọng điểm được triển khai thi công đúng tiến độ, sớm đưa vào phục vụ nhu cầu của người dân, đơn vị đã chủ động phối hợp với các nhà thầu, tư vấn thiết kế, thi công tập trung giám sát và đôn đốc thi công các công trình. Đơn vị cũng phối hợp với các phòng chức năng tập trung giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù, thu hồi đất; phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn nơi triển khai thi công các công trình, dự án để tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tạo điều kiện tốt cho quá trình triển khai thi công, xây dựng các công trình. Đặc biệt, đơn vị luôn xác định quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo chất lượng công trình”-ông Khôi cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Tạ Chí Khanh-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: “Mặc dù đối mặt với khó khăn nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến cuối năm 2019, huyện đã đạt 16/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra (2 chỉ tiêu không đạt là xây dựng xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế và chỉ tiêu về số gia đình văn hóa). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp vẫn đạt và vượt kế hoạch; công tác quản lý bảo vệ rừng được kiểm soát; công tác giáo dục, y tế, văn hóa được thực hiện tốt; tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững”.

 HẢI NAM

 

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.