Gia Lai đặt mục tiêu cao để làm động lực phấn đấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là một trong những định hướng quan trọng mà PGS-TS. Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra đối với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2020-2025. Cùng với đó, ông cũng có những gợi ý trong xây dựng đô thị Pleiku.
 


Tăng trưởng đều qua từng năm

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt 7,76% (Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là 7,5%). Thu ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 3.541 tỷ đồng, năm 2018 đạt 4.505 tỷ đồng, đến năm 2020 ước đạt 5.300 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 10,65% (Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là 9-10%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2016 đạt 17.051 tỷ đồng, năm 2018 đạt 22.500 tỷ đồng, đến năm 2020 ước đạt 29.000 tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 13,18% (Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra là 10%). Nhiều kết quả khác về kinh tế cũng đều vượt so với Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra.

 Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát tại một số địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: H.D
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát tại một số địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Ảnh: H.D



Tại buổi làm việc với PGS-TS. Trần Đình Thiên, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho biết: Để có được những kết quả đó, Gia Lai đã chú trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

Đóng góp đến 70% cho ngân sách nhà nước nên sự phát triển của doanh nghiệp được coi là một trong những mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương. Do vậy, công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua đã có chuyển biến rõ rệt, thể hiện ở vị trí trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Gia Lai được cải thiện hàng năm. Đặc biệt, năm 2018, Gia Lai xếp ở vị trí 33/63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm 2017. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng, đầu tư khu vực tư nhân khởi sắc.

Chủ động gỡ vướng

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, những kết quả mà Gia Lai đạt được thời gian qua thực sự đáng mừng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân là do sự không ổn định về giá của một số mặt hàng nông sản chủ lực (hồ tiêu, cao su, cà phê...); sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp chưa chặt chẽ; các chương trình, dự án trong lĩnh vực nông nghiệp tuy có cố gắng nhưng chưa hình thành được nhiều mô hình có tính lan tỏa. Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư chậm triển khai, gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Công tác cải cách hành chính vẫn chưa được như mong muốn khi tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp và người dân của một bộ phận cán bộ còn xảy ra. Trách nhiệm của người đứng đầu một số ngành, địa phương chưa cao.

Sau chuyến khảo sát về kinh tế-xã hội tại một số địa phương và tiếp xúc với một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hồi tháng 9-2019, PGS-TS. Trần Đình Thiên nhận định: “Gia Lai vẫn còn nghèo. Thực ra với tiềm năng như vậy thì phải đặt ra câu hỏi là tại sao Gia Lai còn nghèo? Vì cái gì, thiếu cái gì, còn vướng mắc cái gì? Những năm gần đây, Gia Lai đã có những giải pháp để bứt lên, dù kết quả và thành công chưa thật sự rõ nhưng cái bứt lên cho thấy Gia Lai đã đồng nhịp với sự vận động chung của cả nước. Và quan trọng là Gia Lai thực sự có tiềm năng phát triển kinh tế cho tương lai rất lớn. Tôi nhấn mạnh là cho tương lai vì những tiềm năng đó phát triển theo kiểu cũ là không phù hợp”.

Trả lời câu hỏi làm thế nào để kinh tế-xã hội Gia Lai có thể phát triển bứt phá hơn trong giai đoạn tới, PGS-TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Thứ nhất là kết nối đường bộ, kết nối đường hàng không và đó chính là nền tảng. Bởi hiện tại, cơ cấu kinh tế của Gia Lai đã dịch chuyển không phải theo hướng hàng nặng, hàng thô mà theo hướng công nghệ cao và nông nghiệp phát triển theo hướng đặc sản, đặc hữu chứ không phải nông nghiệp nói chung. Thứ 2 là thể chế. Thể chế là có thể chế chung, nếu những cái chung mà nó đang cản trở mình thì Gia Lai phải chủ động có ý kiến chứ không phải cứ ngồi chờ. Bởi Gia Lai có đặc thù riêng, không gian riêng, Gia Lai không phải là Quảng Ngãi, không phải là Thái Bình… nên có những điểm không giống các tỉnh này nên thể chế chung không phù hợp. Gia Lai cần những chính sách cụ thể gì? Tôi cho rằng Chính phủ, Trung ương sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến này để tháo gỡ”.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Thiên đề xuất, doanh nghiệp nên là hướng ưu tiên tiếp cận để kêu gọi, thu hút đầu tư về Gia Lai để kết hợp với những tiềm năng sẵn có. “Doanh nghiệp phải là doanh nghiệp hiện đại, kết nối quốc tế và có khả năng hội nhập. Nếu Gia Lai chưa có thì kêu gọi về, vì không có những doanh nghiệp đó thì thua rồi. Chúng tôi đã khảo sát thì thấy hiện nay Gia Lai đã có cách tiếp cận doanh nghiệp theo đúng tinh thần như thế, dù mới chỉ bắt đầu nhưng cực kỳ có triển vọng. Và điểm cuối cùng là Gia Lai hiện nay đang đặt nền tảng vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị gia tăng cao, nông nghiệp đặc sản và đây là hướng đi đúng”-PGS-TS. Trần Đình Thiên đánh giá.

Phát triển Pleiku thành đô thị chiến lược

Dưới góc nhìn của PGS-TS. Trần Đình Thiên, một trong những “mũi giáp chủ công” góp phần đưa Gia Lai phát triển nhanh mạnh hơn chính là phát triển đô thị Pleiku. Ông cho rằng: “Pleiku là một đô thị đã có vai vế ở Tây Nguyên rồi, là động lực của cả khu vực nên bây giờ phải làm sao có chiến lược phát triển để tạo ra sự tăng trưởng đủ mạnh cho Pleiku để kéo cả tỉnh lên”.

Phát triển Pleiku thành đô thị chiến lược (ảnh internet)
Phát triển Pleiku thành đô thị chiến lược (ảnh internet)



Nói về nỗ lực để xây dựng và phát triển thành phố, Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân cho biết: “Pleiku đang phát huy lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Thời gian qua, tốc độ tăng giá trị sản xuất của thành phố đạt khá, bình quân đạt 10,14%/năm. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 83 triệu đồng/năm, gấp hơn 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt hơn 36.000 tỷ đồng, tăng bình quân 12,7%/năm, cơ cấu đầu tư được phân bổ tương đối hợp lý giữa các ngành, lĩnh vực. Thu ngân sách nhà nước theo phân cấp giai đoạn 2015-2020 dự kiến tăng bình quân 12,05%/năm, đến năm 2020 dự kiến đạt 1.004 tỷ đồng”.

Thành phố Pleiku phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục duy trì tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 10,16%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 13.350 tỷ đồng; thu ngân sách theo phân cấp đạt 1.282 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 150 triệu đồng. Thành phố cũng sẽ tập trung phát triển nhanh, hợp lý các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như: thương mại-dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng, khoa học-kỹ thuật, bưu chính viễn thông, chăm sóc sức khỏe, vận tải đường bộ, đường không...

Về vấn đề này, PGS-TS. Trần Đình Thiên định hướng: “Tôi đặc biệt quan tâm tới tầm nhìn đô thị. Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng, tôi có cảm tưởng chưa có tầm nhìn tốt. Đô thị thông minh là yêu cầu bắt buộc rồi nhưng chức năng đô thị của ta là cái gì? Đô thị vì sức khỏe là cái gì, hướng tới đối tượng nào? Tất cả phải được xây dựng một cách cụ thể. Thành phố Pleiku phải nỗ lực xây dựng sao cho trở thành một đô thị có sức lan tỏa, là một mũi giáp chủ công, tăng trưởng đủ mạnh để kéo cả tỉnh lên”.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.