Thành phố Pleiku: Lan tỏa các phong trào thi đua yêu nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong thành tựu phát triển chung của TP. Pleiku hôm nay phải kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở các cấp, các ngành, địa phương. Nhờ đó đã khơi dậy sức mạnh đoàn kết, sự đồng thuận của toàn thể cán bộ và nhân dân thành phố, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.
Thi đua là động lực
Theo ông Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku, Chủ tịch HĐND thành phố: Để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ thành phố luôn chú trọng công tác lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gắn với thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo tuyên truyền sâu rộng việc phát động thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở các ngành và các xã, phường để chung tay xây dựng thành phố ngày càng phát triển. 
  Cán bộ và nhân dân xem pa nô ảnh về thành tựu kinh tế-xã hội của TP. Pleiku. Ảnh: T.N
Cán bộ và nhân dân xem pa nô ảnh về thành tựu kinh tế-xã hội của TP. Pleiku. Ảnh: T.N
Từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, quan tâm tuyên truyền nhân rộng những điển hình tiên tiến, gương người tốt-việc tốt về học tập và làm theo Bác, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Ông Đỗ Xuân Quý-Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố-khẳng định: “Các cơ quan, ban, ngành đã phát động nhiều đợt thi đua với nội dung cụ thể, thiết thực theo từng chủ đề, gắn với thi đua hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao ý thức phục vụ nhân dân và đạo đức công vụ. Trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động có nhiều điển hình về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị cũng như tham gia các phong trào thi đua do ngành và địa phương, đơn vị phát động”.
Bên cạnh đó, tại các khu dân cư, người dân cũng tích cực hưởng ứng thực hiện Đề án xây dựng đô thị văn minh và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa X) về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Thanh Bình-cho biết: “MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội thành viên đã tuyên truyền, vận động người dân tự giác giải tỏa, di dời hàng rào và vật kiến trúc, hiến hàng ngàn mét vuông đất, góp ngày công và kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, sửa chữa và làm đường giao thông, phối hợp cùng chính quyền lập lại trật tự kỷ cương và chỉnh trang đô thị”.
Các phong trào thi đua yêu nước đã góp phần tạo cơ sở cho kinh tế-xã hội của thành phố tiếp tục tăng trưởng khá và ổn định. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 10,14%/năm. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,82% và hộ cận nghèo còn 1,05%. Tất cả 9/9 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đồng thời, hồ sơ đề nghị TP. Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh đang trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Nhiều điển hình ở cơ sở
Thời gian qua, Công an TP. Pleiku cùng các xã, phường đã đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại cơ sở. Theo Thượng tá Phan Nhật Toàn-Trưởng Công an thành phố: Người dân đã tham gia cung cấp cho lực lượng công an hơn 2.630 tin có giá trị, giúp lực lượng chức năng điều tra, khám phá các vụ án, vận động gần 220 đối tượng vi phạm pháp luật và đối tượng truy nã ra tự thú; vận động giao nộp hàng trăm loại vũ khí và vật liệu nổ, tham gia cảm hóa, giáo dục đối tượng tại cộng đồng... “Với thành tích đạt được, gần 50 tập thể và cá nhân đã được Bộ Công an, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh và Chủ tịch UBND TP. Pleiku khen thưởng về thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc giai đoạn 2008-2018”-Thượng tá Toàn cho biết.
Một góc trung tâm thành phố Pleiku. Ảnh: T.N
Một góc trung tâm thành phố Pleiku. Ảnh: T.N
Trong khi đó, các hội, đoàn thể cũng tích cực vận động hội viên, đoàn viên hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua do thành phố phát động. Hội Nông dân cấp cơ sở triển khai sâu rộng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” thu hút đông đảo hội viên tham gia. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay: Hàng năm có trên 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, kết quả có 50% trở lên số hộ được công nhận. Đã có 7 tập thể và 54 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong phong trào này giai đoạn 2017-2019. Nhiều nông dân có các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả như hộ ông Trương Văn Duy (phường Phù Đổng), ông Trần Văn Yên (phường Hội Thương), ông Rơ Lan Đak (xã Ia Kênh), ông Nguyễn Hữu Vui (phường Hoa Lư) với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm…
Tại khu dân cư, người dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Một trong những đơn vị tiêu biểu là tổ 8, phường Yên Thế. Ông Trần Văn Tiệp-Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ 8-thông tin: Hàng năm, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn chiếm hơn 96%, giúp tổ 8 giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa 12 năm liền. Trong tổ có các hộ gia đình văn hóa tiêu biểu như ông Đoàn Văn Huy, ông Dương Văn Minh, ông A Yêu... luôn gương mẫu, tích cực trong các phong trào thi đua tại cơ sở.
Nằm ở địa bàn vùng ven với 100% dân số là đồng bào Bahnar, từ năm 2018 đến nay, làng Wâu (xã Chư Á) đã được thành phố chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tinh thần Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. “Dân làng đồng thuận tự nguyện hiến đất, góp công lao động và kinh phí, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước gần 1,9 tỷ đồng để xây dựng nhiều công trình hạ tầng. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực đổi mới nếp nghĩ, cách làm, quan tâm áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Đến nay, làng Wâu đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí và được xã đề nghị UBND thành phố công nhận làng nông thôn mới vào cuối năm nay”-Trưởng thôn Hưn phấn khởi cho biết thêm.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.