Thành phố Pleiku đi đầu xây dựng nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku là thành phố đầu tiên ở Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), về đích sớm 2 năm so với dự kiến. Từ nền tảng này, thành phố xác định tiếp tục hướng đến xây dựng NTM nâng cao.
Đến xã Gào những ngày này, mọi người có thể cảm nhận rõ những đổi thay về diện mạo nông thôn. Những tuyến đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa sạch sẽ, rộng rãi. Các công trình phúc lợi, trường học được xây dựng khang trang, kiên cố, khuôn viên nhà cửa được chỉnh trang sạch đẹp... Ông Rơ Lan Ek-người dân làng A-phấn khởi nói: “So với cách đây 10 năm, làng đã thay đổi rất nhiều. Nhà nước và cán bộ xã còn vận động bà con sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện gia đình tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm từ việc liên kết sản xuất cà phê nên cuộc sống đã khấm khá hơn”.
Diện mạo của làng A (xã Gào) đổi thay nhờ thực hiện chương trình NTM. Ảnh: N.S
Diện mạo của làng A (xã Gào) đổi thay nhờ thực hiện chương trình NTM. Ảnh: N.S
Ông Trần Ngọc Thanh-Chủ tịch UBND xã Gào-cho biết: Xã “cán đích” NTM năm 2017. Đây là xã cuối cùng trong 9 xã thuộc TP. Pleiku hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Từ năm 2010 đến nay, tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn xã là gần 143 tỷ đồng, trong đó, ngân sách xã đầu tư 1,564 tỷ đồng; ngân sách trung ương và tỉnh 3,208 tỷ đồng; ngân sách thành phố 1,894 tỷ đồng; nhân dân đóng góp hơn 61 tỷ đồng... Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu tư khoảng trên 71 tỷ đồng. Đến nay, xã vẫn giữ vững và phát huy 19 tiêu chí đã đạt được. Hiện xã tập trung rà soát và xây dựng kế hoạch, đề ra giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí với quyết tâm không để tiêu chí nào “rớt chuẩn”.
Gắn bó với xã Trà Đa đến nay đã gần 35 năm, bà Nguyễn Thị Hương (thôn 2) cũng rất vui khi chứng kiến những đổi thay của xã từ chương trình xây dựng NTM. Kết cấu hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, giao thông đi lại thuận lợi, kinh tế-xã hội không ngừng phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao rõ rệt. Bà Hương chia sẻ: “Những năm gần đây, xã Trà Đa phát triển rất mạnh mẽ. Cuộc sống người dân giờ không mấy thua kém so với khu vực trung tâm TP. Pleiku, nhà cửa khang trang, bà con phấn khởi lắm”. 
Xã Trà Đa được công nhận hoàn thành xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2015 và hiện là xã đầu tiên của TP. Pleiku đăng ký đạt xã NTM nâng cao vào năm 2019. Ông Nguyễn Tiến Dũng-Bí thư Đảng ủy xã-thông tin: “Năm 2019, xã được thành phố chọn xây dựng xã NTM nâng cao. Đến nay, qua rà soát cơ bản, xã đã đạt 19/19 tiêu chí theo Quyết định số 301 của UBND tỉnh về xây dựng NTM nâng cao. Xã không dừng lại ở đây mà sẽ tiếp tục phấn đấu”. Theo ông Dũng, xã sẽ đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng; chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã...
Xã Chư Á đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Sang
Xã Chư Á đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Ảnh: Ngọc Sang
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-khẳng định: Khi bắt đầu chương trình xây dựng NTM, thành phố có 9 xã với bình quân xuất phát điểm là 11/19 tiêu chí. Qua 8 năm thực hiện với nguồn vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, 9/9 xã đều hoàn thành 19 tiêu chí. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký quyết định công nhận TP. Pleiku hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2018. 
“Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng NTM nâng cao. Theo kế hoạch, năm 2019, xã Trà Đa sẽ hoàn thành mục tiêu này. Sau Trà Đa, chúng tôi sẽ đánh giá, rà soát điều kiện của các địa phương còn lại để tiếp tục triển khai kế hoạch. Cụ thể, cùng với huy động nguồn lực tại địa phương, thành phố sẽ ưu tiên nguồn vốn để tập trung hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hộ nghèo… Đích đến cuối cùng của xây dựng NTM nâng cao là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku thông tin.
NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.