Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III: Cơ hội xúc tiến thương mại, nâng tầm cà phê Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khuôn khổ chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III-2019, sự kiện không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm diễn ra từ ngày 8 đến 10-12-2019 (tại khu vực đường Trần Hưng Đạo, TP. Pleiku) là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã gặp gỡ, thúc đẩy giao lưu, hợp tác sản xuất kinh doanh, qua đó thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định đối với ngành hàng cà phê của Việt Nam.
Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T
Nơi hội tụ thương hiệu cà phê Việt
Với quy mô 111 gian hàng, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chịu trách nhiệm dàn dựng và tổ chức 46 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê; tỉnh Gia Lai tổ chức 65 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cà phê, giống cà phê và một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, gian hàng ẩm thực, gian hàng triển lãm, giới thiệu về du lịch Gia Lai. Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban tổ chức chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III-đánh giá: “Sự kiện này sẽ mở ra cơ hội kết nối cung cầu, quảng bá, xúc tiến thương mại và tôn vinh sản phẩm cà phê. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư cho sản phẩm cà phê nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành hàng cà phê trong quá trình hội nhập”.
  Khách tham quan được trải nghiệm, thưởng thức cà phê miễn phí. Ảnh: Đức Thụy
Khách tham quan được trải nghiệm, thưởng thức cà phê miễn phí. Ảnh: Đức Thụy
Góp mặt vào sự kiện là hàng chục thương hiệu lớn, có uy tín trong và ngoài nước như: Nestle, Lamant Café, Thu Hà, Phiên Phương, King Coffee, Vinacafe... Theo ông Trịnh Văn Thế-đại diện Công ty TNHH một thành viên Bazan Đak Nông, đây là lần thứ 3 Công ty tham dự sự kiện Ngày Cà phê Việt Nam. Qua mỗi lần tham dự, Công ty đều có thêm cơ hội hợp tác với nhiều đối tác trong cả nước. “Đến với chương trình lần này, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn nữa đến người tiêu dùng, các đối tác tiềm năng. Công ty đang xúc tiến xây dựng chuỗi hệ thống cửa hàng trên toàn quốc. vì vậy, được tham gia những chương trình như thế này là cơ hội lớn để công ty mở rộng thị trường”-ông Thế nói.
Là một trong những doanh nghiệp chủ nhà, bà Nguyễn Thị Thu-chủ cơ sở sản xuất cà phê Mybella Coffee-chia sẻ: “Từ trang trại 20 ha cà phê của gia đình trồng theo quy trình hữu cơ, chúng tôi quyết định được chất lượng nguyên liệu đầu vào. Vì vậy, các dòng sản phẩm của Mybella Coffee luôn tuân thủ tiêu chí sạch và giữ nguyên chất lượng hạt cà phê. Tôi nhận thấy tham gia sự kiện này là cơ hội gặp gỡ với các cơ sở, doanh nghiệp để cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê sạch, hướng tới phục vụ người tiêu dùng, qua đó nâng cao giá trị hạt cà phê”.
Cũng với mong muốn đưa thương hiệu cà phê của Gia Lai vươn xa hơn nữa, bà Nguyễn Thị Thu Hà-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Thu Hà-kỳ vọng: “Qua hơn 50 năm kinh doanh mặt hàng cà phê, Thu Hà đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Đến với triển lãm lần này, tôi mong rằng cà phê Gia Lai sẽ ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong ngành hàng cà phê của Việt Nam và cả thế giới”.  
Trình diễn công nghệ pha chế, rang xay hiện đại bậc nhất
Tại sự kiện, không chỉ tiếp cận, tìm hiểu về các sản phẩm cà phê, du khách còn được giới thiệu về quy trình sản xuất hiện đại, tiên tiến nhất. Khách tham quan sẽ được mãn nhãn khi các bartender (người pha chế) trình diễn thao tác kỹ thuật để cho ra những ly cà phê hảo hạng, thơm ngon nhất, được nghe những câu chuyện đặc sắc về cà phê, được chiêm ngưỡng những thiết bị, máy móc hiện đại nhất về rang xay cà phê trên thế giới. Anh Phạm Phi Long-chuyên gia nghiên cứu cà phê của thương hiệu Coffee 24-cho biết: “Hiện nay, các cơ sở rang xay thường sử dụng kỹ thuật rang truyền thống là rang điện và rang gas. Trong khi đó, Coffee 24 đang áp dụng công nghệ rang khí nóng Recycle Hot Air-công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay-bằng việc đưa máy rang IMF do những kỹ sư của Ý làm hoàn toàn thủ công để cho ra những hạt cà phê giữ nguyên được chất lượng vốn có của nó. Ngoài ra, Coffee 24 cũng đang sử dụng máy pha cà phê Lareal được nhập khẩu từ Tây Ban Nha-một trong 3 chiếc máy đang có mặt tại Việt Nam và là một trong 100 chiếc đang có mặt trên toàn thế giới”.
  Khách tham quan được trải nghiệm, thưởng thức cà phê miễn phí. Ảnh: Đức Thụy
Khách tham quan được trải nghiệm, thưởng thức cà phê miễn phí. Ảnh: Đức Thụy
 

Trong khuôn khổ chương trình Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ III-2019 tại Gia Lai, du khách sẽ được thưởng thức những ly cà phê chất lượng, hoàn toàn miễn phí của những thương hiệu cà phê nổi tiếng, được bố trí ngay trong khuôn viên nơi diễn ra sự kiện triển lãm. Dự kiến, trong 3 ngày (8 đến 10-12) các doanh nghiệp sẽ phục vụ miễn phí khoảng 10.000 ly cà phê.


Trong ngày đầu diễn ra sự kiện, đã có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm quy trình pha chế và thưởng thức cà phê miễn phí tại các gian hàng. Chị Võ Thị Nguyên Thủy (tổ 1, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vui vẻ cho hay: “Tôi cũng như hầu hết du khách rất thích không gian trưng bày về cà phê nơi đây. Đến đây, tôi có cơ hội được tham quan, tìm hiểu về ngành cà phê từ các nhà sản xuất, cung cấp giống, vật tư, thiết bị, máy móc nổi tiếng, được thưởng thức những ly cà phê hảo hạng nhất”.
Ấn tượng và thu hút du khách tham quan nhiều nhất có lẽ là gian hàng của Lamant Café. Chị Lương Thị Ngọc Nữ-quản lý khu vực miền Nam của Công ty cổ phần Quốc tế Lamant-chia sẻ: “Đến với chương trình Ngày Cà phê Việt Nam, Lamant Café mang đến thông điệp về “Hành trình lưu giữ trọn vẹn bản sắc cà phê Việt Nam” qua câu chuyện về cà phê, về hành trình đi tìm sự nguyên bản, sự tươi nguyên và lưu lại bản sắc của cà phê Việt Nam trong từng giọt lắng đọng. Ngoài ra, du khách còn được phục vụ cà phê miễn phí qua việc sử dụng công nghệ QR Code quét mã vạch trên thẻ của đại biểu để phục vụ cà phê miễn phí”.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.