Rộn ràng trước thềm 20-11

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời điểm này, khắp nơi trên cả nước đang rộn ràng hướng đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Tại Gia Lai, không khí chuẩn bị cho ngày này cũng nhộn nhịp không kém với nhiều hoạt động tri ân, gắn kết tình thầy trò đầy ý nghĩa.
Món quà tinh thần ý nghĩa
Hơn 1 tháng nay, Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) trở nên nhộn nhịp hơn vào mỗi buổi sáng sớm và chiều tối. Nhiều nhóm học sinh đến từ các trường học trên địa bàn thành phố như: THPT Phan Bội Châu, THPT Lê Lợi, THPT Pleiku, THPT Nguyễn Chí Thanh, THCS Nguyễn Du, THCS Phạm Hồng Thái đã chọn không gian rộng rãi, thoáng đãng ở đây để tập luyện những tiết mục hát-múa, nhạc kịch, biểu diễn thời trang… chuẩn bị cho chương trình văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) sắp đến. Mặc cho tiết trời Phố núi ẩm ương chợt mưa chợt nắng, các em vẫn hăng say tập luyện. Mỗi tiết mục mang một màu sắc riêng nhưng đều thể hiện mong muốn gửi đến các thầy-cô giáo lời tri ân về công lao dạy dỗ.
 Khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) được học sinh nhiều trường chọn để tập luyện văn nghệ chào mừng ngày 20-11. Ảnh: M.T
Khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) được học sinh nhiều trường chọn để tập luyện văn nghệ chào mừng ngày 20-11. Ảnh: M.T
Tại một góc khuôn viên Quảng trường, gần 10 nữ sinh lớp 10A4 Trường THPT Phan Bội Châu duyên dáng trong tà áo dài trắng, uyển chuyển tập các động tác múa cho bài “Cò lả”. Em Nguyễn Thị Thu Trang-một thành viên của đội múa-chia sẻ: “Chiều học xong là tụi em mặc nguyên đồng phục ra đây tập luôn. Vì cô giáo chủ nhiệm của tụi em thích dòng nhạc dân gian đương đại nên lớp đã quyết định chọn bài “Cò lả” để biểu diễn. Em cùng một bạn trong lớp biên đạo múa. Giai đoạn đầu hơi khó khăn do vừa tập vừa nghĩ động tác nhưng giờ thì cơ bản đã ổn rồi. Cùng với tiết mục hát “Ba kể con nghe” có đệm đàn guitar và trống cajon, cả lớp hy vọng sẽ mang đến cho cô chủ nhiệm nói riêng và thầy cô trong trường nói chung một món quà tinh thần dễ thương trong ngày 20-11”.
Cạnh đó, các em học sinh lớp 12C8 Trường THPT Lê Lợi cũng say sưa không kém. “Trường khuyến khích mỗi lớp 1-2 tiết mục văn nghệ nhưng lớp em chỉ chọn múa 1 bài. Nguyên nhân là do lịch học cuối cấp quá dày, tụi em không có nhiều thời gian để tập luyện. Bài múa này nhóm đã tập liên tục cả tháng nay để chuẩn bị cho đợt tổng duyệt và công diễn vào ngày 16-11 tới. Bên cạnh tham gia chương trình văn nghệ, mỗi thành viên trong lớp cũng đề cao ý thức học tập thật tốt, chuyên cần, chăm ngoan để tri ân thầy cô trong dịp đặc biệt này”-em Lê Thị Mỹ Linh vui vẻ cho biết.
Không chỉ là các tiết mục văn nghệ, gần 150 học sinh của Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai còn thể hiện sự tri ân thầy cô thông qua những bức tranh về tình thầy trò và mái trường mến yêu. Em Rơ Mah San (học sinh lớp 9) bày tỏ: “Tham gia cuộc thi, em vẽ tranh về buổi ngoại khóa có cô giáo và các bạn tham gia hát múa, cười đùa vui vẻ. Dưới sự hướng dẫn của thầy giáo dạy Mỹ thuật, em đang cố gắng hoàn thiện bức tranh của mình cho thật đẹp để được chọn triển lãm. Qua đây, em cũng muốn gửi đến thầy-cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất, cảm ơn vì đã dìu dắt chúng em suốt 4 năm học qua”.
Gắn kết tình thầy trò
Ngoài hoạt động văn hóa văn nghệ, nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh còn tổ chức các chương trình ngoại khóa chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam với hình thức đa dạng như: Ngày hội tiếng Anh, Rung chuông vàng, Giao lưu tiếng Việt, Hội thi học sinh thanh lịch, nét đẹp thầy trò, thiết kế báo tường, thi đấu thể thao, tọa đàm kỷ niệm… Tất cả đều hứa hẹn sẽ đem đến những điều bất ngờ và tràn ngập cảm xúc trong ngày lễ quan trọng của ngành giáo dục.
Một giờ học thi đua đạt _Hoa điểm 10_ của các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (huyện Ia Pa)- Ảnh Mộc Trà
Một giờ học thi đua đạt Hoa điểm 10 của các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (huyện Ia Pa). Ảnh: Mộc Trà
Ở xã vùng khó Pờ Tó (huyện Ia Pa), các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp đang tất bật ôn luyện để chuẩn bị tham gia cuộc thi Rung chuông vàng do trường tổ chức vào ngày 18-11. Em Đinh Lơnh (lớp 7) thủ thỉ: “Lớp em có 15 người tham gia cuộc thi. Em và các bạn đang tích cực tìm hiểu thật nhiều, thật kỹ những kiến thức liên quan đến thầy cô, mái trường, xã hội… và cố gắng thi đạt thành tích cao để mang vinh dự về cho lớp. Ngoài ra, dịp này, chúng em cũng đang tập luyện văn nghệ, thi đua tuần học tốt và đạt nhiều hoa điểm 10 để dâng lên thầy cô nhân ngày 20-11”. Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp-thông tin thêm: “Cuộc thi Rung chuông vàng sắp tới có chủ đề “Tôn sư trọng đạo” với các câu hỏi tập trung vào nội dung liên quan đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, truyền thống của trường, Anh hùng Núp và một số kiến thức cơ bản. Mỗi lớp sẽ cử 10-15 em tham gia. Hoạt động này không chỉ là sân chơi bổ ích cho học sinh mà còn tạo không khí thi đua sôi nổi chào mừng ngày 20-11 giữa các lớp, góp phần tăng niềm yêu thích cho các em khi đến trường”.
Tương tự, tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Tú An, thị xã An Khê), những ngày này, không khí cũng chộn rộn không kém. Cả thầy và trò đều đang gấp rút chuẩn bị cho chương trình “Giao lưu tiếng Việt” diễn ra tại điểm trường 3 làng vào ngày 15-11 tới với các nội dung như: chào hỏi, đố vui để học, hùng biện về vấn đề bảo vệ môi trường, đồng diễn dân vũ của giáo viên và học sinh toàn trường… “Đây sẽ là cơ hội để tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số của trường, đồng thời giúp mối quan hệ giữa giáo viên-học sinh và phụ huynh học sinh thêm gắn kết, gần gũi”-cô Trương Thị Cẩm Thúy-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay.
Còn với Trường Tiểu học Ngô Mây (phường Trà Bá, TP. Pleiku), thay vì tổ chức nhiều hoạt động như mọi năm, dịp 20-11 năm nay, nhà trường chỉ tập trung cho hội thi “Nét đẹp thầy trò” và giao lưu bóng đá nam của học sinh khối lớp 4, 5. Với hội thi “Nét đẹp thầy trò”, mỗi khối lớp sẽ chọn ra 1 cặp giáo viên-học sinh để tranh tài ở 2 phần thi trang phục và năng khiếu. Hoạt động này nhằm tôn vinh nét đẹp của thầy-cô giáo, những người đưa đò thầm lặng cũng như gắn kết tình thầy trò giản dị mà thiêng liêng.
Có thể nói, ngày 20-11 đã trở thành dịp giáo dục cho học sinh lòng biết ơn, tôn vinh các thế hệ nhà giáo và ôn lại truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Các hoạt động trên không chỉ hướng đến ngày “Tết thầy, Tết cô” mà còn góp phần khơi dậy, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt-học tốt trên địa bàn tỉnh.
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.