Khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế-xã hội Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trong chuyến khảo sát, nắm tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở xã Kon Pne và Đak Rong (huyện Kbang, Gia Lai) ngày 8-11.
Kon Pne cần phát huy lợi thế sẵn có
Thăm và nắm tình hình tại xã Kon Pne, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang vui mừng khi thấy đời sống của người dân và diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay đáng mừng. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm, hệ thống thủy lợi, nước sạch đã được đầu tư đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa phải) tặng quà cho xã Kon Pne (huyện Kbang). Ảnh: T.D
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (bìa phải) tặng quà cho xã Kon Pne (huyện Kbang). Ảnh: T.D
Báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy, ông Trương Văn Tư-Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne-cho biết: Từ đầu năm đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Kon Pne đã tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Theo đó, tình hình sản xuất nông nghiệp của xã từng bước phát triển, tổng diện tích gieo trồng là 552,07 ha, đạt 91,39% kế hoạch; đàn gia súc có 2.954 con, đạt 123,44% kế hoạch. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí. Xã có 379 hộ, hiện còn 31 hộ nghèo và 122 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm. Lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp luôn ở mức cao. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được đảm bảo… “100% hộ dân đã có điện chiếu sáng; 100% đường nội thôn được bê tông hóa; không còn hộ dân nào thiếu đất sản xuất. Người dân chủ yếu trồng lúa, mì, bời lời… Ngoài ra, việc phát triển diện tích cây dược liệu dưới tán rừng như: sa nhân tím, hồng đẳng sâm, mật nhân đã giúp bà con nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”-Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne thông tin.
Với những lợi thế sẵn có của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, để đạt mục tiêu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2020, xã Kon Pne phải có những giải pháp cụ thể và sáng tạo trong triển khai thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Xã cần đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện tiêu chí thu nhập vì hiện nay mới chỉ đạt 26 triệu đồng/người/năm, thấp hơn nhiều so với bộ tiêu chí. Để nâng cao thu nhập cho người dân xã Kon Pne, Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ: “Hiện diện tích cây lương thực, thực phẩm của xã đã cơ bản đáp ứng cho cuộc sống hàng ngày của người dân. Tuy nhiên, nếu muốn nâng cao thu nhập bình quân đầu người thì lãnh đạo xã cần năng động, sáng tạo hơn trong việc củng cố và phát triển những nguồn thu sẵn có ở địa phương như: đối với các loại lâm sản phụ, cùng với việc khai thác tránh tận diệt nguồn tự nhiên thì nên vận động người dân nuôi trồng thêm; cùng với đó phát triển chăn nuôi nông hộ với các giống vật nuôi bản địa. Ngoài ra, địa phương nên nghiên cứu trồng cây mắc ca vì vùng đất này có tiềm năng về đất đai, khí hậu và hiện giá cả đang giữ ổn định ở mức cao”.
Đặc biệt, theo Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang, Kon Pne muốn phát triển kinh tế lâu dài thì cần thiết phải lựa chọn và liên kết đầu tư xây dựng làng dân tộc thiểu số gắn với du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương nên chọn một làng dân tộc thiểu số tiêu biểu, có đầy đủ các yếu tố như: bản sắc, cảnh quan, môi trường… để phát triển làng du lịch cộng đồng. Và muốn thực hiện nhiệm vụ này thuận lợi, trước mắt, Kon Pne cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới để làm nền tảng vững chắc cho du lịch cộng đồng.
Đak Rong khai thác tiềm năng thiên nhiên để phát triển du lịch
Cũng trong chuyến công tác, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã đi khảo sát, tham quan 2 ngọn thác Kon Bông và Kon Lốc ở xã Đak Rong. Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cho rằng, đây là những ngọn thác đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương. Đặc biệt, thác Kon Bông rất phù hợp với việc phát triển du lịch sinh thái và du lịch trải nghiệm.
 Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) khảo sát thác Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: TRẦN DUNG
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ trái sang) khảo sát thác Kon Bông (xã Đak Rong, huyện Kbang). Ảnh: TRẦN DUNG
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đak Rong Đinh Nao: “Thác Kon Bông nằm nơi thượng nguồn sông Ba chảy vào Gia Lai, ở đầu làng Kon Bông. Từ trung tâm xã vào tới thác dài gần 20 km. Dòng sông Ba từ đầu nguồn ở Kon Ka Kinh chảy qua địa phận xã Đak Rong gặp những triền đá xếp cao rồi thoải dần thành nhiều bậc, nước cứ thế chảy từ bậc cao xuống bậc thấp rồi đổ xuống thành một dòng thác. Hai bên dòng thác là cây rừng cao lớn tỏa bóng mát. Những năm gần đây, vào dịp lễ, Tết, du khách thường tìm về tham quan thác và giao lưu với bà con. Người dân trong xã thường xuyên tới dọn vệ sinh xung quanh khu vực thác nước và kiêm luôn nhiệm vụ “dẫn đường, chỉ lối” cho du khách”.  
Việc đầu tư, khai thác du lịch và bước đầu thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn những ngọn thác này là hướng đi đúng mà huyện Kbang đang tiếp tục chú trọng triển khai; tạo nền tảng để từng bước gắn các hoạt động văn hóa truyền thống với quảng bá, giới thiệu hình ảnh về thiên nhiên, con người và văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương với bạn bè trong và ngoài tỉnh; hướng tới việc hình thành, khai thác các tour du lịch trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Bí thư Huyện ủy Kbang Trương Văn Đạt cho biết: “Kbang là huyện có nhiều di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh tự nhiên còn hoang sơ, rất thích hợp cho khách du lịch khám phá lịch sử, văn hóa, thiên nhiên và con người nơi đây. Thác Kon Bông là một trong những điểm du lịch đang phát triển tại huyện Kbang. Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, huyện xác định nguồn lực đầu tư và từng bước hướng tới khai thác phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thời gian qua, huyện đã đầu tư con đường khang trang, sạch sẽ dẫn vào thác; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nơi đây. Huyện cũng đã mở lớp tập huấn cho người dân phương thức làm du lịch cộng đồng; thành lập đội cồng chiêng, nhóm nghệ nhân biểu diễn văn nghệ, đan lát, dệt thổ cẩm, đội phục vụ nấu các món ăn truyền thống, làm các nhà rông lưu trú… để phục vụ du khách có nhu cầu ăn, nghỉ tại làng”.
Để phát triển du lịch ở ngọn thác này, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang nêu rõ: Trước mắt, huyện cần đầu tư hoàn thiện các tuyến giao thông chính vào thác và một số hạng mục hạ tầng cơ sở thiết yếu như: lối đi xuống chân và lên đỉnh thác; làm một số chòi, lán song không gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng… để phục vụ du khách đến tham quan, dừng chân nghỉ ngơi; trồng bổ sung cây xanh và giữ gìn cảnh quan môi trường, hệ sinh thái. Cùng với đó, liên kết đào tạo, hướng dẫn bà con các làng đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch mang bản sắc riêng của người bản địa. Từ đó, tạo thành những điểm đến lý tưởng thu hút khách du lịch tham quan, trải nghiệm.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang cũng chỉ đạo Hiệp hội Du lịch tỉnh và các sở, ngành liên quan hỗ trợ xã Đak Rong và huyện Kbang tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch; liên kết với các doanh nghiệp, kêu gọi, quảng bá hình ảnh và hình thành được các tour, tuyến để thu hút đông đảo du khách đến nơi đây. Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Việc đầu tư cho du lịch là đầu tư cho tương lai nên các cấp, ngành cần quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện nhằm khai thác, phát huy được các tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống cho người dân.
 TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.