Chư Pưh: Nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 10 năm qua, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và tăng cường đấu tranh phòng-chống tội phạm. Từ một địa bàn trọng điểm phức tạp, giờ đây, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Chư Pưh đã cơ bản được giữ vững, ổn định.



Được thành lập vào năm 2017, Tổ tự quản về an ninh trật tự (ANTT) thôn Ia Sâm (xã Ia Rong) thường xuyên phối hợp với hệ thống chính trị ở địa phương xây dựng kế hoạch tuần tra đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, đặc biệt là vào các dịp lễ lớn, mùa thu hoạch nông sản; cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị, nhờ đó đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi trộm cắp tài sản. “Thôn có 6 tổ tự quản về ANTT với 48 thành viên. Trước kia, tình hình an ninh nông thôn ở đây khá phức tạp. Qua quá trình hoạt động của các tổ tự quản, tình trạng trộm cắp tài sản đã giảm rõ rệt, các hành vi vi phạm pháp luật cũng được kiềm chế”-ông Hồ Sỹ Quang-Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Ia Sâm-chia sẻ.

   Tiếng kẻng ANTT là một mô hình hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện Chư Pưh. Ảnh: M.T
Tiếng kẻng ANTT là một mô hình hiệu quả trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện Chư Pưh. Ảnh: M.T



Giữa tháng 9 vừa qua, Công an huyện cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Hla ra mắt mô hình điểm “Hai không” tại làng Hra gồm không nhóm họp phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga” và không có người dân tộc thiểu số trốn đi Campuchia, Thái Lan. Mô hình gồm 21 thành viên được chia làm 7 tổ; mỗi tổ có trách nhiệm nắm tình hình, tư tưởng, tâm tư của 30-40 hộ dân. Đại úy Đoàn Văn Trọng-Trưởng Công an xã Ia Hla-cho biết: Hra là một trong 3 làng trọng điểm về an ninh chính trị của huyện. Vì vậy, việc thành lập mô hình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Cùng với việc tổ chức tuyên truyền cho người dân cảnh giác trước các luận điệu xuyên tạc, kích động, các thành viên khi phát hiện những đối tượng lạ mặt, có dấu hiệu nghi vấn vào địa bàn xã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ nhanh chóng thông báo cho lực lượng Công an để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn. Qua hơn 2 tháng triển khai, bà con trong làng đã nâng cao nhận thức hơn, biết tiếp tục giúp nhau phát triển kinh tế, không tái hoạt động nhóm họp phục hồi FULRO, “Tin lành Đê ga”.

Theo thống kê của Công an huyện Chư Pưh, hiện nay, trên địa bàn huyện có 10 mô hình, 5 câu lạc bộ liên quan với hình thức, nội dung đa dạng như: “Tiếng kẻng ANTT”, “Xe ôm với công tác đấu tranh phòng-chống tội phạm”, “Ánh sáng kết hợp với tiếng kẻng ANTT”, “Camera an ninh”, “Ánh sáng kết hợp với camera an ninh và tổ tự quản phòng-chống tội phạm”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Thắp sáng niềm tin”, “Phụ nữ nói không với tín dụng đen”… Hoạt động của các mô hình này đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đấu tranh, phòng-chống tội phạm; vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, tham gia phát triển kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, toàn huyện còn có 54 tổ tự quản thôn, làng với 643 thành viên, qua đó cung cấp hơn 405 thông tin về hoạt động vi phạm pháp luật cho lực lượng Công an các cấp; phối hợp tuần tra 291 buổi và truy bắt tội phạm, bảo vệ hiện trường cũng như tổ chức hòa giải các mâu thuẫn nhỏ phát sinh tại cơ sở.

Bên cạnh đó, Công an huyện Chư Pưh còn tích cực tham mưu giúp UBND huyện chỉ đạo và triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia phòng-chống tội phạm, phòng-chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông; chủ động triển khai thực hiện các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Đại tá Đậu Văn Minh-Trưởng Công an huyện-thông tin: Trong 10 năm qua, lực lượng Công an huyện đã điều tra làm rõ 412/487 vụ phạm pháp hình sự (trọng án đạt 100%); khởi tố 395 vụ với 716 bị can; kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 330 vụ với 690 bị can; bắt, vận động đầu thú 94 đối tượng; điều tra, xử lý 88 vụ phạm pháp kinh tế; phát hiện, điều tra 37 vụ án liên quan đến ma túy, xử lý theo pháp luật 58 đối tượng.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng các mô hình tổ tự quản về ANTT; tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đồng thời, triển khai kết hợp các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm ma túy, trộm cắp, tội phạm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể giáo dục, quản lý số thanh-thiếu niên cá biệt. Trước mắt sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm từ ngày 15-11-2019 đến 14-2-2020 nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp lễ Noel và Tết Nguyên đán sắp tới”-Đại tá Đậu Văn Minh cho hay.

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.