Chư Pah: Khi hợp tác xã "bắt tay" với nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã và các địa phương lân cận. Mô hình liên kết này bước đầu đã phát huy hiệu quả, thúc đẩy người dân phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập.
Cà phê là một trong những cây trồng mang lại nguồn thu chủ yếu cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Ia Mơ Nông. Do đặc thù của loại cây trồng này là cả năm mới cho thu hoạch một lần nên nhiều hộ gặp khó khăn về vốn để đầu tư cho vườn cây. Bên cạnh đó, khi thu hoạch, nông dân còn hay bị thương lái ép giá, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao.
  Các thành viên Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông trao đổi, lựa chọn vật tư nông nghiệp phù hợp với nhu cầu  sinh trưởng của vườn cây. Ảnh: S.C
Các thành viên Hợp tác xã Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông trao đổi, lựa chọn vật tư nông nghiệp phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của vườn cây. Ảnh: S.C
Để tháo gỡ khó khăn này cho người dân, đồng thời tạo vùng nguyên liệu thu mua, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông đã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê với nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các tổ. Theo đó, HTX đầu tư 100% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giao cho tổ trưởng, tổ phó quản lý, phân bổ cho các hộ căn cứ theo nhu cầu, chu kỳ sản xuất. Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đầu tư không lãi suất, HTX còn hỗ trợ máy móc, tư vấn kỹ thuật, tổ chức thu mua nông sản cho các hộ. Theo ông Lê Văn Thanh-Giám đốc HTX: “Việc thực hiện mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê đã đáp ứng kịp thời nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Đến nay, mô hình này đã thu hút hơn 600 hộ đăng ký tham gia, địa bàn mở rộng từ xã Ia Mơ Nông đến các xã: Ia Ka, Ia Nhin và thị trấn Ia Ly. Chính vì vậy, HTX đã 3 lần thay đổi vốn điều lệ, số vốn góp của thành viên lần sau tăng hơn lần trước. Nếu nguồn vốn HTX dồi dào hơn, mô hình được mở rộng sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả”. Cũng theo ông Thanh, trong năm 2019, HTX còn triển khai xây dựng mô hình tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê từ nguồn vốn tài trợ của Dự án VnSAT với sự tham gia của 3 hộ, diện tích 4,5 ha. Từ thành công của mô hình tưới tiết kiệm nước, hiện đã có trên 200 thành viên đăng ký tham gia.  
Là thành viên của HTX Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông, ông Rơ Chăm Hyur (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) cho biết: “Trước đây, bà con thường gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho vườn cây, mỗi khi đến đợt bỏ phân, phun thuốc là phải đi tìm chỗ vay mượn, lúc được lúc không nên sản lượng cà phê không ổn định. Năm 2018, tôi tham gia tổ liên kết sản xuất, được HTX hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cung cấp 100 cây sầu riêng giống để trồng xen trong vườn cà phê. Sản phẩm làm ra được HTX bao tiêu nên không lo bị thương lái ép giá như trước”. Từ thực tế triển khai mô hình liên kết sản xuất qua các tổ, ông Rơ Chăm Hyur cho rằng, về phía người dân có được lợi ích trước tiên là chủ động nguồn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong suốt quá trình sản xuất, có sổ theo dõi các đợt nhận vật tư nông nghiệp. Nhờ đó, người dân yên tâm sản xuất, đến cuối vụ thu hoạch mới phải thanh toán một lần. Đáng lưu ý, giá thu mua nông sản của HTX luôn bằng và cao hơn thị trường nên không chỉ riêng ông Hyur mà ở làng Kép 1 đã có hơn 40 hộ tham gia mô hình liên kết này.
Không chỉ liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê, để tạo thêm việc làm, gia tăng thu nhập xen kẽ trong năm cho người dân, HTX còn liên kết với bà con trồng mới 5.000 cây mãng cầu ta hạt lép, 50 ha đậu phộng... Hợp tác xã hỗ trợ bà con nguồn cây giống đảm bảo chất lượng, phân bón, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và cam kết bao tiêu sản phẩm làm ra.
Theo ông Phạm Minh Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông, từ khi thành lập đến nay, hoạt động của HTX bước đầu đã giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân. “Chúng tôi rất ủng hộ phương thức hoạt động lẫn mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của HTX. Mặc dù đang ở giai đoạn đầu nhưng mô hình liên kết này đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, thúc đẩy phong trào sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương khởi sắc hơn”-ông Châu khẳng định.
SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.