Chuyện cây bắp lai ngày ấy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đôi khi có những nỗi nhớ tưởng như rất phi logic. Chẳng hạn, hôm rồi mấy người bạn rủ tôi ăn tối ở một quán nọ. Với nguyên liệu 100% là thịt bò Úc, các món ăn ở đây khá ngon, giá cả cũng phải chăng. Chuyện giống bò Úc nhập về nuôi thì tôi từng biết, nhưng việc bò Úc được nuôi bằng cây bắp lai “333” tại trang trại có đến mấy ngàn con ở huyện Kông Chro lại khiến tôi tò mò, đồng thời liên tưởng đến chuyện thăng trầm của cây bắp có xuất xứ từ Thái Lan này. Thật kỳ lạ, ăn thịt bò mà lại nhớ về cây bắp!
Tôi nhớ, vào khoảng những năm 1995-1997, tôi được Ban Biên tập Báo Gia Lai giao nhiệm vụ viết mảng nông nghiệp, nông thôn, nhờ vậy mà cũng có cơ hội gần gũi, buồn vui cùng nông dân trong tỉnh, nhất là về chuyện cây bắp lai. Ngày ấy, các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu đang định hình; cây ngắn ngày như đậu đỗ các loại thì thăng trầm về giá cả, đầu ra bấp bênh. Vì vậy, chương trình khuyến nông trồng trình diễn cây bắp lai và chuyển giao kỹ thuật ở một số xã của huyện Chư Sê được xem là hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Bên chuyển giao là Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam (thuộc Tập đoàn CP Thái Lan) sẽ bán giống và thu mua sản phẩm.
  Cây bắp lai đã gắn bó với người nông dân từ hơn 20 năm nay. Ảnh: K.N.B
Cây bắp lai đã gắn bó với người nông dân từ hơn 20 năm nay. Ảnh internet
Nghe rất hay nhưng thay đổi thói quen đâu dễ. Ông Lưu Trung Nghĩa, khi ấy là Trưởng trạm Khuyến nông huyện Chư Sê (nay là Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ) nói với tôi: “Bà con trồng bắp lai CP 888, hay CP 999 cho năng suất cao, lên đến trên dưới 7,5 tấn/ha nhưng bà con là người dân tộc thiểu số ở các xã phàn nàn là “bắp này ăn không được” nên không trồng nữa. Tình hình có vẻ bế tắc. Giữa lúc ấy, lãnh đạo, cán bộ các ban ngành của huyện, nhất là Trạm Khuyến nông phải tập trung đến từng hộ giải thích, vận động. Báo Gia Lai đăng tải nhiều bài viết về hiệu quả kinh tế nhờ tăng diện tích kết hợp với thâm canh cây bắp lai hàng hóa (thay vì trồng bắp địa phương chỉ để giải quyết nhu cầu tự cung, tự cấp lương thực như lâu nay) cũng như các giải pháp về đầu ra. Và rồi những hợp đồng thu mua giữa Công ty CP Việt Nam và địa phương được khởi động, thương lái từ các nơi dồn về Chư Sê thu mua bắp nguyên liệu…
Bà con dần hiểu ra. Anh em khuyến nông hết sức vui mừng vì giống cung cấp không đủ cho bà con ngay năm đó. Cũng từ đây, nhiều vấn đề mới “vui vui” lại phát sinh như: năng suất cao, sản lượng nhiều nên thiếu ô tô chuyên chở, đường sá quá tải, nhà kho hết chỗ chứa, giữa mùa mưa muốn phơi bắp phải chở xuống tận Bình Định… Vì vậy, thời ấy có bao sáng kiến ra đời như làm lò sấy, làm máy thu hoạch bóc tách hạt... Huyện Chư Sê nghiễm nhiên trở thành “vựa bắp lai” của cả tỉnh. Nhiều huyện khác cũng phát triển vùng trồng bắp nguyên liệu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều hộ từ đây thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu.
 Như duyên định, cũng từ cái thời đi làm truyền thông về bắp lai ấy mà tôi quen biết nhiều anh em khuyến nông, những người cung cấp giống cây trồng trong cả nước. Đặc biệt là góp phần và chứng kiến sự chuyển biến trong nếp nghĩ theo hướng tiến bộ của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới. Nhớ lần gặp ông Nguyễn Tấn Tùng, một “trình diễn viên” công nghệ trồng bắp lai của Công ty TNHH Hạt giống CP Việt Nam ngày ấy (nay đã là Phó Tổng Giám đốc của Công ty). Người suốt hơn 20 năm gắn bó với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu bắp lai ở Gia Lai vẫn đang lạc quan về sự phát triển bền vững của loại cây này. Ông cho biết: Nếu năm 1995, Công ty mới chỉ đưa 8.000 kg giống bắp CP 888 về Gia Lai trồng, tương đương diện tích 500 ha, thì đến năm 2019, vùng trồng bắp lai đã phát triển lên thành 10.000 ha, số giống tương đương là 170.000 kg. Hiện ông đang nỗ lực tạo sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhà nông để tham gia trồng bắp nguyên liệu cung ứng thức ăn gia súc cho các trang trại bò đứng chân trên địa bàn huyện Kông Chro với hàng ngàn con.
Ôn chuyện cũ và hướng về tương lai của cây bắp lai trên địa bàn tỉnh, ấy cũng là cổ vũ cho sự phát triển của công nghệ cao trong nghề trồng bắp, xây dựng nông thôn mới.
QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.