Smile Class: Hướng về học trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn giúp các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn được tiếp cận với việc học ngoại ngữ, nhóm Fly to Sky đã triển khai dự án “Smile Class” để dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật trên địa bàn TP. Pleiku. 
Vừa học vừa chơi
Theo chân các thành viên nhóm Fly to Sky, chúng tôi đến Mái ấm Thiên Ân 2 (thôn 4, xã Chư Á, TP. Pleiku) vào một sáng chủ nhật. Đúng 9 giờ, 15 em nhỏ từ 5 đến 11 tuổi đã ngồi ngay ngắn để chuẩn bị buổi học. Tại đây, chúng tôi khá bất ngờ về màn chào hỏi rôm rả bằng tiếng Anh giữa “giáo viên” với các em nhỏ. Tiếp đó, lớp học rộn ràng hơn với các bài học trên phần mềm Touch English như: nhìn màu sắc và đọc tên; học vẽ, tô màu và gọi đúng tên màu sắc; học các bài hát; chơi trò nhìn hình ảnh và đọc tên đồ vật, con vật..., tất cả đều bằng tiếng Anh. Bạn nào đọc đúng sẽ được khen thưởng bằng bánh kẹo, tạo sự hứng thú khi vừa được học, vừa được chơi.
Trò chuyện với chúng tôi, em Y Na (lớp 5 Trường Tiểu học Anh Hùng Núp) cho biết: Ở trường, em cũng được học tiếng Anh nhưng không có hứng thú với môn học này lắm. Từ khi các anh chị trong nhóm tổ chức lớp học tiếng Anh tại đây, em thấy rất thú vị. Em thích nhất là được tham gia trò chơi đoán tên con vật, đồ vật bằng tiếng Anh. Tương tự, em Y Vina (9 tuổi) cũng cho rằng việc học tiếng Anh bằng hình ảnh trực quan trên màn hình tivi, đặc biệt là học các bài hát tiếng Anh giúp các em nhớ lâu hơn.
  Việc dạy học bằng phần mềm Touch English đã giúp các em nhỏ ở Mái ấm Thiên Ân 2 (TP. Pleiku) có cảm hứng với việc học môn tiếng Anh.                   Ảnh: Hồng Thương
Việc dạy học bằng phần mềm Touch English đã giúp các em nhỏ ở Mái ấm Thiên Ân 2 (TP. Pleiku) có cảm hứng với việc học môn tiếng Anh. Ảnh: Hồng Thương
Trực tiếp tham gia dạy học cho các em nhỏ tại đây, bạn Hồ Hoàng Khôi Nguyên (lớp 12C2A Trường THPT chuyên Hùng Vương) cho rằng việc các em nhỏ hứng thú với bài học đã là một thành công của nhóm. “Mục đích của nhóm không phải là các em nhỏ sẽ tiếp thu bài nhanh mà là truyền cho các em sự hứng thú với môn học này, từ đó nỗ lực hơn trong học tập”-Nguyên chia sẻ. 
Chứng kiến các buổi học, sơ Nguyễn Thị Kim Chi-quản lý Mái ấm Thiên Ân 2-xúc động cho hay: Mái ấm là nơi cưu mang các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Đa số các cháu đều là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp nhận môn Tiếng Anh còn khó khăn. Việc các bạn trẻ trong nhóm Fly to Sky về tổ chức lớp học tiếng Anh miễn phí tại đây đã tạo sự khích lệ, hứng thú trong học tập cho các cháu. Đặc biệt, từ khi tham gia lớp học đến nay, nhiều cháu đã trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát và mạnh dạn hơn trong giao tiếp cũng như chăm chỉ học tập hơn. 
Cần thêm sự chung tay
Nói về dự án, em Lê Văn Phúc-Trưởng nhóm Fly to Sky (có 85 thành viên là học sinh THPT trên địa bàn TP. Pleiku) cho biết: Hầu hết các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, mồ côi ít khi có điều kiện được học thêm môn Tiếng Anh, đặc biệt là phương pháp học tập sinh động như trên phần mềm Touch English. Vì vậy, nhóm đã bàn bạc và quyết định triển khai dự án “Smile Class”. 
Để có điều kiện dạy học, nhóm đã liên hệ và được Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) phối hợp với Tập đoàn Giáo dục Egroup tài trợ phần mềm Touch English. Dựa vào phần mềm này, nhóm đã soạn các giáo án gồm: học kiến thức trên phần mềm Touch English; học hát bài hát tiếng Anh; tổ chức ngoại khóa để các em chơi trò chơi và giao tiếp bằng những câu tiếng Anh đơn giản. Theo đó, mỗi tuần sẽ dạy 2 buổi vào sáng thứ bảy và chủ nhật với các chủ đề khác nhau. Mỗi buổi có 7-8 bạn có thành tích cao ở môn Tiếng Anh đứng lớp dưới sự phụ trách chính của 2 bạn trẻ là Nguyễn Hoàng Khôi Nguyên và Mai Lê Lam Khuê (Trường THPT chuyên Hùng Vương).
Đặc biệt, thấy được ý nghĩa nhân văn của dự án, nhiều giáo viên bộ môn Tiếng Anh của các trường trên địa bàn thành phố như: THPT Pleiku, THPT chuyên Hùng Vương, THPT Phan Bội Châu đã tự nguyện tham gia giúp các em giảng dạy. Mới đây, một số trung tâm ngoại ngữ cũng đã hứa sẽ cử giáo viên hỗ trợ các em để nâng cao chất lượng dạy và học. “Kinh phí tổ chức 1 lớp học ước khoảng 50 triệu đồng/năm. Số tiền này hiện đang được nhóm huy động bằng việc bán hàng gây quỹ và kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp. Vì vậy, nhóm rất mong các Mạnh Thường Quân sẽ chung tay hỗ trợ thêm kinh phí để nhóm tổ chức tốt hơn các lớp học này”-Trưởng nhóm Lê Văn Phúc bày tỏ.
 HỒNG THƯƠNG - THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.