Miệt vườn giữa cao nguyên Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nằm cạnh hồ làng Al (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah, Gia Lai), 4 ha đất cằn cỗi tưởng như bỏ không đã được ông Vũ Văn Trung (60 tuổi) một tay cải tạo, khoác lên tấm áo xanh mướt với hơn chục loài cây ăn trái. Mảnh đất xanh lành ấy đang biến ước mơ của ông Trung về một khu du lịch sinh thái dần trở thành hiện thực.
Đất cằn nở hoa
Sau nhiều năm bôn ba làm ăn khắp nơi, năm 2011, ông Trung trở về Ia Mơ Nông, thuê lại 4 ha đất cạnh hồ nước làng Al để trồng trọt và nuôi giấc mơ làm du lịch. “Ban đầu gia đình tôi ai cũng can ngăn, bởi đất ở ven hồ này rất cằn cỗi, không trồng trọt gì được. Nhưng quyết tâm trong tôi cao lắm, đã nói là phải làm cho bằng được”-ông Trung mở đầu câu chuyện.
  Mảnh đất cằn cỗi nay đã được phủ một màu xanh mướt của cây trái. Ảnh: P.L
Mảnh đất cằn cỗi nay đã được phủ một màu xanh mướt của cây trái. Ảnh: P.L
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành liên doanh sản xuất phân bón, ông Trung mạnh dạn cải tạo đất. Ông không nhớ đã phải chở bao nhiêu xe đất đỏ, đất màu từ nơi khác về san trải lên mảnh vườn của mình; cũng không nhớ nổi đã mua bao nhiêu bao trấu ủ vi sinh, xử lý đất. Bao nỗ lực của ông cuối cùng cũng được đền đáp. Những chồi non cứ thế vươn lên, xòe tán khiến cả khu đất rộng nhanh chóng được lấp đầy bởi cây cối xanh mướt. Ông Trung rất kỹ lưỡng trong khâu chọn cây giống; đó phải là các loài cây đặc sản, giống mới, lạ và năng suất cao. Hiện tại, hơn 600 cây dừa xiêm và 300 cây mít Thái đã đem lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Các loại cây trái khác như: ổi, vú sữa hoàng kim, cóc, xoài, sầu riêng, chôm chôm… đủ để mùa nào thức nấy, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định vừa phục vụ cho ý định làm du lịch sau này.
Xen kẽ trên mảnh vườn, ông Trung đào 10 ao nuôi cá nhằm tạo thêm thu nhập, dự trữ nguồn nước tưới vào mùa khô và tạo cảnh quan cho nơi này. “Tôi dự định sẽ trồng thêm các loại rau sạch, tự sản xuất cám, thức ăn sạch để chăn nuôi bò, heo, gà, các loại cá, nhất là cá chép giòn để phục vụ nhu cầu gia đình, thị trường và kinh doanh trong khu du lịch của mình”-ông Trung cho hay. Hiện tại, ông đã thả cá hồng, cá trắm, cá rô trong các ao và nuôi thêm bò, gà, heo sọc dưa… Cả khuôn đất rộng lớn được ông tận dụng tối đa vào hoạt động chăn nuôi, trồng trọt. Đi dạo dưới tán cây xanh mát, khó có thể nghĩ chỉ cách đây hơn 5 năm nơi này hoàn toàn hoang vắng, cằn cỗi.
Khát khao làm du lịch
Từ tỉnh lộ 673 đoạn qua xã Ia Mơ Nông rẽ phía tay phải chỉ chừng 500 m đã tới ngay khu vườn của ông Trung nằm dọc bên bờ hồ làng Al. Nền trời in bóng lên mặt hồ trong xanh, phẳng lặng. Xa xa ở bờ bên kia là những mái nhà nâu cũ ẩn hiện trong màu xanh của nương rẫy, cây cối. Khung cảnh hiện lên thật yên bình. Dọc bờ nước, ông trồng 2 hàng dừa, ở giữa lát đá. Những tàu dừa xòe bóng, che mát cả con đường. Dừa còn được ông trồng xung quanh các ao cá. Dạo quanh khu vườn rợp bóng cây, nghe hơi mát thổi vào từ hồ nước mênh mông, nghe mùi bùn, mùi cây lá thoảng đưa, du khách tưởng như đang lạc vào chốn miệt vườn nào đó.
2Ông Vũ Văn Trung (bìa trái) rất tâm huyết với dự án du lịch sinh thái tại Ia Mơ Nông-ảnh PL
Ông Vũ Văn Trung (bìa trái) rất tâm huyết với dự án du lịch sinh thái tại Ia Mơ Nông. Ảnh: P.L
Ông Trung tâm sự: “Tôi muốn làm du lịch từ lâu rồi. Đi rất nhiều nơi, học hỏi cũng rất nhiều, tôi vẫn thấy du lịch sinh thái là xu hướng bền vững. Quê hương mình rất đẹp, tại sao lại không làm để thu hút khách thập phương. Tôi tin mình sẽ làm được”. Những bước đi đầu tiên của ông trên mảnh đất cằn đã bắt đầu cho kết quả. Ông Trung xác định, làm du lịch không thể ngày một ngày hai mà là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì. “Lấy ngắn nuôi dài” là kế sách của ông trong làm du lịch sinh thái. Vừa trồng trọt, chăn nuôi để có thu nhập, nuôi sống gia đình vừa tái đầu tư cho ý tưởng làm du lịch tương lai. Ngày ngày nhìn khu du lịch dần thành hình, ông Trung không khỏi vui mừng. Vợ và các con ông cũng ủng hộ ông hiện thực hóa ước mơ.
Lần lượt chỉ tay vào từng góc vườn, ông chia sẻ dự định sắp tới: “Chỗ này tôi sẽ xây một sân bóng thật hiện đại, chỗ kia sẽ là nhà hàng ẩm thực, khu lưu trú cho khách, bên các ao cá sẽ làm chòi nhỏ để mọi người câu cá thư giãn. Khách đến vườn có thể tham quan, dạo chơi, hái quả, tự tay chế biến thức ăn, đạp vịt, đi thuyền trên lòng hồ… Không lâu đâu, vài năm tới thôi sẽ hoàn thiện”. Hiện tại đã có nhiều lượt khách đến tham quan và tổ chức picnic tại khu vườn của gia đình ông. Ông Trung cũng dự định sẽ bắt đầu các hoạt động phục vụ du lịch vào dịp Tết Nguyên đán 2020.
Ông Nguyễn Minh Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông nhận định: “Với địa thế thuận lợi, hữu tình, ý tưởng phát triển khu du lịch sinh thái của ông Trung hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu được đầu tư bài bản. Nằm trên tuyến đường dẫn vào Nhà máy thủy điện Ia Ly (thị trấn Ia Ly), khá gần các khu du lịch cộng đồng của xã tại làng Phung, làng Kép 1, khu du lịch sinh thái mà ông Trung đang hướng đến là nơi dừng chân lý tưởng, níu giữ du khách ở lại lâu hơn để tìm hiểu con người và văn hóa truyền thống của vùng đất này”. 
PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.