Krong chuyển mình phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Krong (huyện Kbang) trước đây là căn cứ địa cách mạng của tỉnh Gia Lai trong kháng chiến chống Mỹ. Sau ngày đất nước thống nhất, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thấp kém. Tuy nhiên, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo nông thôn và đời sống của người dân xã Krong đã có nhiều khởi sắc.

 

Ông Đỗ Công Trúc-Chủ tịch UBND xã Krong-cho hay: Trước đây, người dân thiếu tư liệu sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu nên tỷ lệ hộ nghèo cao. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế được triển khai tại địa phương đã giúp người dân thay đổi dần tư duy sản xuất, đời sống không ngừng được cải thiện, bộ mặt nông thôn cũng ngày càng khởi sắc.

Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học ngày càng được quan tâm đầu tư. Ảnh: M.N
Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học ngày càng được quan tâm đầu tư. Ảnh: M.N



Phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, cùng với sự quan tâm của cấp trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Krong đã không ngừng nỗ lực trong phát triển kinh tế-xã hội. Hiện trên địa bàn xã có hơn 80 ha lúa nước, 2 cánh đồng lớn trồng mía và mì với diện tích 100 ha, hơn 14 ha cây mắc ca và 400 ha cà phê, còn lại là các cây trồng khác. Nông nghiệp phát triển đã làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm hộ dân vùng khó. Bên cạnh sự chuyển biến về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục cũng có nhiều thay đổi. Năm 2018, xã có 4 làng được huyện công nhận làng văn hóa; Trạm Y tế xã được trang bị thêm phương tiện, thuốc men để đáp ứng việc khám-chữa bệnh cho người dân.

Nói về sự chuyển mình ở địa phương, thầy Hoàng Văn Ngọc-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám-cho biết: Trước đây, đường sá đi lại khó khăn, điểm trường làng xa trung tâm xã nhất đến hơn 10 km khiến việc duy trì sĩ số học sinh gặp nhiều trở ngại. Ngày nay, cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học được quan tâm đầu tư, đường từ trung tâm xã đến các làng đã được bê tông hóa. Nhận thức của người dân được nâng lên, bà con biết quan tâm đến việc học của con em mình nên tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường ra lớp đạt cao.

Hơn 40 năm công tác tại xã Krong, ông Võ Ngộ-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Krông Pa cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng đất này. Ông Ngộ cho biết, từ một địa phương khó khăn, Krong đã được đầu tư xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm tạo bước đệm quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh việc vận động 160 hộ dân của 2 làng kết nghĩa tích cực chuyển đổi cây trồng, thâm canh lúa nước để tăng năng suất, Công ty còn tạo điều kiện giúp 156 hộ dân tại 6 làng trên địa bàn xã nhận khoán quản lý, bảo vệ 1.776 ha rừng để cải thiện thu nhập. Công ty còn nhận hướng dẫn bà con cách trồng lúa để tăng năng suất; hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, chỉ dẫn cách chi tiêu hợp lý giúp 2 hộ thoát nghèo. 

  Chất lượng dạy và học vùng căn cứ cách mạng Krong ngày càng được nâng cao, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đều ra lớp.          Ảnh: M.N
Chất lượng dạy và học vùng căn cứ cách mạng Krong ngày càng được nâng cao, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường đều ra lớp. Ảnh: M.N



Hiện nay, các tuyến đường nội thôn và liên thôn đều đã được mở rộng và bê tông hóa, 100% số làng đã có điện, được phủ sóng mạng điện thoại không dây; thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2018 đạt hơn 16 triệu đồng/năm, tăng hơn 13,7 triệu đồng so với năm 2010; số hộ nghèo giảm còn 326 hộ, chiếm 24,96%, giảm 50,57% so với năm 2010. Đến nay, xã Krong đã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới.

Chủ tịch UBND xã Krong cho rằng: “Để hoàn thành các tiêu chí còn lại đòi hỏi xã phải tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hợp lòng dân. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất hiệu quả, tạo phong trào thi đua rộng khắp trong các làng”.

 

 NGUYỄN SANG

 

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.