"Địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi vừa có dịp trở lại với vùng đất Krong (huyện Kbang)-căn cứ địa cách mạng của tỉnh Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau hơn 1 năm khánh thành, Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong đã thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tỉnh nhà.
 


Trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt (1955-1975), căn cứ địa cách mạng khu 10 được Tỉnh ủy Gia Lai chọn là nơi đứng chân của những cơ quan đầu não. Tại vùng đất rộng khoảng 1 ha nằm bên bờ Tây suối Đak Kơ Bưng này, Tỉnh ủy đã đề ra các quyết sách quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh nhà đến ngày toàn thắng. Mặc dù quân thù huy động nhiều phương tiện, lực lượng và dùng mọi cách để đánh phá nhưng căn cứ Khu 10 vẫn luôn đứng vững, chưa bị một quả bom nào của địch đánh trúng.

Thị xã Ayun Pa trồng cây tại Khu di tích. Ảnh: Mộc Trà
Thị xã Ayun Pa trồng cây tại Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Mộc Trà



Với ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích, tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định đầu tư xây dựng căn cứ địa cách mạng khu 10 thành Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong. Công trình được khởi công vào ngày 17-3-2017, khánh thành vào ngày 19-5-2018, với tổng kinh phí đầu tư gần 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp. Các hạng mục chính của Khu di tích được thiết kế theo kiểu mô phỏng các công trình trong thời kháng chiến chống Mỹ gồm: lán bí thư, lán phó bí thư, lán cơ yếu, lán văn phòng, hầm chữ A, nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, nhà tưởng niệm, nhà bia ghi sự kiện…

Bên cạnh đó, sau khi khánh thành, Tỉnh ủy đã kêu gọi, vận động các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh trồng cây xanh nhằm khôi phục rừng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương đã đưa cây về trồng tại khu căn cứ địa cách mạng, tạo nên một quần thể cây cối xanh mát. Theo ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, trên cơ sở sơ đồ quy hoạch trồng cây của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, từ tháng 5-2018 đến tháng 6-2019, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện đã tiếp nhận, tổ chức cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh trồng được 150 cây xanh, trong đó có 69 cây giáng hương, 1 cây trắc, 4 cây sanh, 2 cây lộc vừng, 2 cây kơ nia, 10 cây tùng bút… Địa phương trồng nhiều cây nhất là huyện Chư Sê với 23 cây giáng hương, tiếp đến là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh với 10 cây tùng bút…

“Từ khi triển khai trồng cây, chúng tôi đã phân công cán bộ trực tiếp giám sát, bám vào sơ đồ quy hoạch để tiếp nhận cây. Các cơ quan, đơn vị đăng ký trồng cây đều chủ động liên hệ với huyện nên hầu hết cây trồng tại Khu di tích đạt chuẩn và sống tốt. Mới đây, UBND huyện Kbang cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trồng cây phân tán trên địa bàn, trong đó có trồng tại các khu di tích văn hóa-lịch sử nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp, góp phần bảo vệ và tăng độ che phủ của rừng”-ông Chi cho biết.

Trao đổi với P.V, ông Đinh Văn Ble-Phó Chủ tịch UBND xã Krong-cho hay: Ủy ban nhân dân xã tích cực phối hợp với Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện trong việc huy động đoàn viên, thanh niên địa phương hỗ trợ các đơn vị trồng cây tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Đồng thời, cử thôn đội trưởng của 2 làng Tung Gut và Klăh làm nhiệm vụ trực tiếp tại đây. Anh Đinh Thoa-Thôn đội trưởng làng Tung Gut-phấn khởi chia sẻ: “Tôi nhận làm bảo vệ ở Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh từ đầu tháng 8-2018 đến nay. Ngoài trực tại chỗ 24/24 giờ, chúng tôi còn có nhiệm vụ bảo vệ tài sản, trang-thiết bị, dọn dẹp vệ sinh, quản lý lượng khách ra vào Khu di tích và chăm sóc cây xanh. Bản thân tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi được góp một phần công sức trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di tích lịch sử này”.

 Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T
Đoàn cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang). Ảnh: Đ.T



Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, còn rất nhiều đơn vị, cơ quan trong tỉnh đăng ký trồng cây tại Khu di tích nhưng hiện số lượng cây xanh trồng trong phạm vi quy hoạch đã cơ bản đảm bảo. Do đó, thời gian tới, ngành Văn hóa huyện sẽ mở rộng phạm vi trồng cây ngoài hàng rào bảo vệ di tích.

Từ khi Khu di tích được phục dựng và tái hiện một cách chân thực, những chuyến “về nguồn” đến với nơi này cũng diễn ra thường xuyên hơn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia, nhất là thế hệ trẻ. Phó Bí thư Huyện Đoàn Kbang Trần Đình Lập cho hay: “Huyện Đoàn đã chỉ đạo cho tất cả Đoàn cơ sở và chi đoàn trực thuộc tổ chức đưa đoàn viên, thanh niên về tham quan, tìm hiểu lịch sử tại đây vào các ngày lễ lớn hoặc sự kiện quan trọng; đồng thời tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới, kết hợp trồng cây xanh. Đến với Khu di tích, thế hệ trẻ chúng tôi vô cùng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của cha anh đi trước; từ đó soi rọi lại bản thân, phấn đấu nỗ lực nhiều hơn trong học tập, lao động, rèn luyện, ra sức cống hiến xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.