Đak Pơ: Nỗ lực duy trì sĩ số học sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giảng dạy ở các trường vùng khó trên địa bàn huyện Đak Pơ, hầu như không giáo viên nào lạ lẫm với việc vận động học sinh ra lớp. Vận động đã khó, tạo sức hút để các em gắn bó với trường và chuyên tâm học hành lại càng khó hơn.  
Cũng như bao thầy cô khác, từ ngày về công tác tại Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng (xã An Thành), thầy Trương Công Hương đã quen với việc thường xuyên phải đến tận nhà, lên tận rẫy để tìm và vận động học sinh ra lớp. Vận động xong, thầy lại phải nghĩ mọi cách để các em đi học chuyên cần. Thầy Hương chia sẻ: “Tâm lý học sinh là thích chơi, múa hát xen kẽ với việc học. Dựa vào điều này, tôi thường tham mưu giúp cấp ủy chi bộ, Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều sân chơi mang tính chất thi đua giữa các lớp như hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Tôi cũng xin ý kiến nhà trường mở một lớp dạy võ miễn phí cho các em… Đến trường vừa được học, vừa được chơi, từ đó các em thích thú và đi học đều hơn”. 
  Học sinh Trường Tiểu học và THCS Lương Thế Vinh (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) được tặng xe đạp  vào đầu năm học mới.         Ảnh: N.H
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Lương Thế Vinh (xã Ya Hội, huyện Đak Pơ) được tặng xe đạp vào đầu năm học mới. Ảnh: N.H
Trường Tiểu học và THCS Kim Đồng có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Trình độ dân trí của người dân nơi đây còn thấp nên nhận thức về việc cho con em đến trường còn hạn chế. Đặc biệt, xã có những làng cách trường đến vài cây số đường đất, việc đi lại rất vất vả khiến nhiều em có tâm lý ngại đến lớp. Không ít lần thầy-cô giáo phải lấy xe máy đi đón các em đến trường. Sau đó, nhận thấy không thể ngày nào cũng đi đón các em, Ban Giám hiệu nhà trường đã cố gắng duy trì lớp học bán trú cho những học sinh ở xa. Ngoài việc vận động phụ huynh góp gạo, giáo viên cũng ủng hộ khi thì bó rau, khi thì con cá, phân công nhau đi chợ để nấu ăn cho các em. Hàng năm, nhà trường còn tổ chức chương trình văn nghệ từ thiện “Vòng tay bè bạn” để quyên góp quần áo, sách vở tặng học sinh khó khăn. Đầu năm học, các thầy cô chủ động đi vận động, xin sách cũ của học sinh các trường vùng thuận lợi đem về tặng học sinh nhà trường. Cứ thế, các em đến trường đều đặn và thường xuyên, tình trạng nghỉ học giữa chừng giảm hẳn.
Năm học này, Trường Tiểu học và THCS Lương Thế Vinh (xã Ya Hội) có 479 học sinh, trong đó, khối Tiểu học có 332 em và khối THCS 147 em với 98% là người dân tộc thiểu số. Thầy Nguyễn Văn Mẫn-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh của trường đạt trên 98%. Với một số em theo bố mẹ lên rẫy nên chưa ra lớp, các thầy-cô giáo vẫn đang tiếp tục đến tận nhà vận động. “Năm nào Ban Giám hiệu nhà trường cũng phân công giáo viên phụ trách theo lớp. Như vậy, các thầy cô có thể hiểu và theo dõi được học sinh của mình. Đồng thời, nhà trường cũng khoán chất lượng học sinh cho giáo viên để thầy cô phát huy vai trò, trách nhiệm của mình. Vào đầu mỗi năm học, nhà trường còn tổ chức phụ đạo cho các em không thu tiền”-thầy Mẫn nói.
Huyện Đak Pơ hiện có 22 trường mầm non, tiểu học và THCS, trong đó có 6 trường nằm ở các xã vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số cao. Những năm qua, bên cạnh việc tích cực vận động học sinh đến trường, huyện cũng thường xuyên đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp để thu hút học sinh. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng trên địa bàn huyện những năm qua tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, tập trung ở các trường tại các xã: Yang Bắc, Ya Hội và An Thành. Ông Nguyễn Minh Cảnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đak Pơ-nhấn mạnh: Để góp phần giảm thiểu tỷ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng, trong năm học tới, Phòng sẽ tổ chức thí điểm và nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi. Đồng thời, khảo sát, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn, các xã có tỷ lệ học sinh bỏ học cao. Phòng cũng chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng mối quan hệ với phụ huynh học sinh, phối hợp với cả hệ thống chính trị để vận động học sinh ra lớp, đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 NGUYỄN HIỀN

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.