Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai: Những trang sử vẻ vang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới, tháng 12-1959, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định thành lập Ban Kinh tài. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.


Đóng góp to lớn vào cuộc kháng chiến chống Mỹ

Theo ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tài mậu từ năm 1965 đến 1971, sau khi Hiệp định Genève 1954 được ký kết, số kinh phí cấp trên cấp cho tỉnh là 50 ngàn đồng tiền Đông Dương, mỗi huyện là 10 ngàn đồng tiền Đông Dương. Nhưng đến năm 1955, khi địch tiến hành đổi tiền, số tiền trên ta không kịp đổi nên mất hết giá trị. Thời điểm đó, ông Ngô Thành là một trong 134 cán bộ được phân công ở lại chiến trường, bám cơ sở để xây dựng lực lượng. Những yêu cầu về chi tiêu, ăn uống của số cán bộ này phải dựa hẳn vào nhân dân. Cán bộ hoạt động ở làng nào thì dân làng đó góp gạo để nuôi thông qua cơ sở của ta.

Sở Tài chính gặp mặt các thế hệ cán bộ, công chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Ban Kinh tài và 74 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính. Ảnh: S.C
Sở Tài chính gặp mặt các thế hệ cán bộ, công chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Ban Kinh tài và 74 năm Ngày truyền thống ngành Tài chính. Ảnh: S.C

Dự án Di tích Ban Kinh tài tỉnh Gia Lai (1959-1975) được xây dựng trong Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, huyện Kbang. Dự kiến, tổng mức đầu tư của dự án là 1,725 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: đền bù san lấp mặt bằng, Nhà bia di tích, Bia di tích, cầu treo qua sông Ba, hàng rào, đường vào khu di tích. Công trình dự kiến khánh thành vào tháng 10-2019.
 

Sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất năm 1959 và đồng khởi năm 1960, hình thành vùng giải phóng, vùng căn cứ do ta làm chủ chiếm 1/2 đất đai, 1/2 dân số toàn tỉnh. Lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị phát triển, tháng 12-1959, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Kinh tài chuyên trách việc sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân, đáp ứng các yêu cầu phát triển của lực lượng cách mạng. Cuối năm 1965, Ban Kinh tài chia tách thành 2 ban là Tài mậu và Sản xuất, thành lập Hội đồng cung cấp tiền phương, có bộ phận theo dõi thu chi, kho quỹ, ngân khố, chế độ tiêu chuẩn cấp phát. Trong thời kỳ chiến tranh, địch đánh phá rất ác liệt, việc tiếp tế của Trung ương gặp nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ kinh tài đã dốc sức sản xuất, vừa dựa vào sự đóng góp, giúp đỡ lương thực, thực phẩm của nhân dân, vừa giúp đỡ nhân dân giải quyết đói-đau-lạt khi cần thiết. “Hoạt động kinh tài đã ra đời trong điều kiện hoàn cảnh như vậy nhưng anh em với tinh thần cách mạng đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để sản xuất bảo đảm hậu cần tại chỗ, phục vụ yêu cầu chiến đấu của cách mạng. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bên cạnh sự nỗ lực, tự lực sản xuất của đội ngũ cán bộ kinh tài với những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng thì việc huy động sức mạnh tinh thần và vật chất từ nhân dân là vô cùng to lớn”-ông Ngô Thành nhấn mạnh.

Nỗ lực biên soạn lịch sử Ban Kinh tài

Thông qua những tư liệu, tài liệu còn lưu giữ, hoạt động kinh tài trên địa bàn Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ dần hiện lên rõ nét qua từng con số về thành tích đóng góp nuôi quân, giúp tiền, giúp gạo cứu đói-lạt-rách-đau cho dân, tình hình sản xuất, thu hoạch hoa màu, lúa, mì, bắp và chăn nuôi qua các năm. Hoặc qua từng câu chuyện kể của nhân viên, cán bộ Ban Kinh tài, Ban Tài mậu trước đây, những chuyến băng rừng, vượt sông để nhận chi viện vật chất, hoạt động mậu dịch trao đổi hàng hóa, lương thực, công tác tăng gia sản xuất thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cũng được tái hiện sống động. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chủ biên viết lịch sử Ban Kinh tài-cho biết: “Quá trình thu thập thông tin, tài liệu gặp nhiều khó khăn vì Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh chỉ có tư liệu sau năm 1975. Việc viết sử khá muộn nên nhân chứng từ năm 1965 về trước còn rất ít và đã cao tuổi nên không thể cung cấp nhiều tư liệu. Bản thân tôi phải sử dụng nguồn tư liệu tích lũy từ rất nhiều năm và nguồn tư liệu gốc lịch sử Khu 10 như các báo cáo, sổ tay.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân  trao đổi  với ông  Ngô Thành-nguyên  Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tài mậu từ năm 1965 đến 1971) về các  hoạt động của Ban Kinh tài trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: S.C
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân trao đổi với ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Tài mậu từ năm 1965 đến 1971) về các hoạt động của Ban Kinh tài trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: S.C

Ông Nguyễn Dũng-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính: “Trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ, những mốc son truyền thống vẻ vang của ngành Tài chính luôn gắn với sự đóng góp, nỗ lực không ngừng của các thế hệ cán bộ, công chức. Đây chính là tiền đề, động lực để ngành Tài chính ngày càng phát triển hơn nữa”.
 

Đồng thời, khai thác, thu thập tư liệu từ các nhân chứng là cán bộ, nhân viên các đơn vị trong ngành qua các thời kỳ. Thông qua lời kể của họ đã làm cho bức tranh ngành Tài chính nói riêng, hoạt động kinh tài trong kháng chiến trở nên sinh động hơn, minh chứng cụ thể hơn khi có thể hình dung ra những con đường, những chuyến đi vô cùng vất vả và nguy hiểm của đội ngũ cán bộ Ban Tài mậu. Qua đó, nổi lên tinh thần chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của các chú, các anh trong thời kỳ đó. Có những chuyến hàng, gùi trên vai mấy chục ký hàng hóa, tư trang mà phải vượt qua sông suối, đèo dốc, phải ngụy trang khi đi qua những vùng đất trống, đối diện với cái chết trong làn ranh. Sự cam go, gian khổ, anh dũng của đội ngũ làm công tác kinh tài, tài mậu cũng không kém gì các chiến sĩ ngoài mặt trận”.

Thực hiện Kế hoạch số 211-KH/TU của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Thông báo số 1080-TB/TU ngày 29-10-2018 của Thường trực Tỉnh ủy kết luận về viết lịch sử Ban Kinh tài, tiền thân của ngành Tài chính-Ngân hàng và lập Bia tưởng niệm tại Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang), Sở Tài chính đã chủ trì các cuộc họp với lãnh đạo ngành Tài chính qua các thời kỳ, thành lập Ban chỉ đạo viết lịch sử Ban Kinh tài. Bên cạnh đó, Sở trưng tập cán bộ, công chức các đơn vị trong ngành Tài chính, Ngân hàng, Công thương, Nông nghiệp, mời cán bộ lão thành cách mạng qua các thời kỳ đóng góp ý kiến, lấy tư liệu, tài liệu, sưu tầm, truy tìm hơn 1.000 trang tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh nhằm phục vụ cho việc biên soạn lịch sử Ban Kinh tài.

Ngoài ra, Sở Tài chính tổ chức khảo sát thực địa do ông Phạm Hồng Nam-nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Tài chính làm trưởng đoàn để chọn vị trí xây dựng Nhà bia tưởng niệm Ban Kinh tài trong quần thể Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh. Nơi đây còn lưu dấu các nền nhà, hầm trú ẩn, kho tiền, đối diện với cánh đồng 3 ha bên kia bờ sông Ba mà cán bộ, nhân viên Ban Kinh tài đã khai hoang sản xuất tự túc và tích trữ lương thực thời kỳ chống Mỹ. Công trình Nhà bia tưởng niệm Ban Kinh tài nhằm tưởng nhớ công lao của các thế hệ cán bộ Ban Kinh tài đã hy sinh xương máu để góp phần giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây còn là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực, tự cường, lòng yêu quê hương đất nước đối với cán bộ, công chức của ngành Tài chính-Ngân hàng hôm nay.
 

 SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.