Ba lô gạo nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa tháng 9-1978, một số hiệu trưởng các trường thuộc phía Tây huyện Chư Pah đi họp ở Phòng Giáo dục và Đào tạo về ghé lại trường chúng tôi để hôm sau đi tiếp. Chứng kiến cảnh vừa khai giảng xong mà lương thực đã thiếu hụt, các anh cười bảo nhỏ: “Lên chỗ tôi chơi rồi mang gạo về ăn!”. Vậy là ít hôm sau đó, anh Phạm Đình Bài-Hiệu trưởng, rủ tôi (giáo viên Văn) và Đỗ Ngọc Khuynh (giáo viên Toán) lên xã Ia Chía. Những năm trước giải phóng, huyện Chư Pah được gọi là huyện 4, còn các xã trong huyện đều gọi tắt là B, từ B1 cho đến B15. Trường chúng tôi bấy giờ nằm ở B14 (xã Ia Grai), còn B11 (Ia Chía) là xã biên giới tiếp giáp với Campuchia. 
Ngày ấy lên B11 thì đi vòng phía thác Lệ Kim, sau đó băng qua B9. Từ B14 lên B11 đi bộ nhanh cũng phải mất khoảng một buổi. Đường mòn nhỏ vắng người quanh co giữa rừng, hai bên cây cối và cỏ tranh vẫn còn khá rậm rạp. Mới giữa tháng 9 nhưng rừng đã chuyển màu, nhiều cây lá ngả sang màu đỏ pha vàng rất đẹp. Ven sườn đồi, những cành đót non bắt đầu vươn cao, nghiêng ngả theo những làn gió thổi qua trông như sóng biển. Thi thoảng gặp một đàn khỉ kêu chí chóe đùa giỡn giữa các cành cây cao hay một chú cheo nhỏ băng qua đường rồi mất hút giữa đám cỏ tranh rậm rạp.
Đường vắng, chúng tôi cứ mải miết bước, lâu lâu mới gặp một vài người Jrai đi bộ ngược chiều. Gần trưa mới vào địa phận B11. Nơi đầu tiên chúng tôi đến là làng Cam. Sở dĩ làng có tên này vì thời ngụy, Trần Lệ Xuân đã cho trồng tại đây rất nhiều vườn cam, bây giờ vẫn còn sai quả. Lớp học nằm ngay đầu làng, bên đường. Tại đây có một đồng nghiệp là anh T.V.P. đang dạy lớp 1. Chúng tôi ghé vào thăm. Lớp học của anh P. có khoảng vài chục em người Jrai. Cũng như bao lớp học vùng sâu, vùng xa khác, đó là một cái lán thưng bằng lồ ô đập giập rồi đan lại, trên lợp cỏ tranh. Sau lớp học là chỗ ở của giáo viên và bếp nấu ăn, tất nhiên cũng hoàn toàn là tranh tre.
Đã hơn 40 năm nhưng tôi vẫn không sao quên được giờ ra chơi lớp 1 của anh P. ngày hôm đó. Một vài em học sinh lấy túm gạo (từ đâu đó) ra đưa cho thầy rồi P. đổ gạo vào một chiếc gùi đựng ở góc nhà, sau đó cúi xuống lôi từ bên dưới giường ngủ của mình ra một cái thau nhôm đựng đầy thuốc líp rút mấy bánh đưa lại cho học trò (các em đổi giúp cho bố mẹ bận lên rẫy). Đây là loại thuốc đồng bào dân tộc thiểu số ngày ấy vẫn thường cuốn lá chuối hút hoặc hút bằng tẩu, khói khét lẹt. Thầy trò trao đổi thuốc-gạo với nhau trong giờ ra chơi bằng tiếng Jrai. Xin nói thêm là ngày ấy đường từ huyện lên các xã phía Tây quá xa, không có phương tiện chuyên chở nên các giáo viên thường cho đồng nghiệp ở vùng gần mua tiêu chuẩn lương thực của mình, còn mình thì tranh thủ những đợt về Pleiku mua thuốc líp, cá khô… mang lên đổi cho người dân để lấy gạo ăn, vừa tiện lại thơm ngon. Chứng kiến cảnh anh P. làm cái công việc đổi chác “lạ thường” này một cách thuần thục, tôi không khỏi ứa nước mắt cảm thương cho đồng nghiệp của mình.
Tạm biệt P. ở làng Cam, chúng tôi tiếp tục lên trung tâm xã, cách đó khoảng gần một giờ đi bộ nữa. Tại đây, chúng tôi gặp thêm một số đồng nghiệp nữa là anh Vũ Kim Tuyên (Hiệu trưởng), Trần Văn Tươi (giáo viên) và các anh Huỳnh Văn Ký, Huỳnh Tòng dạy ở B12 (cũng là xã biên giới) đang tạm dừng chân ở đây để ngày mai đi tiếp lên trường. Đông vui nên đồng nghiệp B11 vào làng mua vài con gà (giá rẻ) và thêm ghè rượu chuối-đặc sản B11-về chiêu đãi chúng tôi. Cơm gạo dẻo, thịt gà kho, rượu ngon nên chúng tôi ăn uống đến cứng bụng (cái sự no đã lâu rồi tôi chưa được trải nghiệm).
Sáng hôm sau, y như lời hứa, các bạn đồng nghiệp B11 cho cả đoàn một ba lô gạo đầy căng mang về. Đường xa, đi bộ, lại không quen mang vác nặng nên một ba lô gạo mà ba chúng tôi phải đổ mồ hôi thay nhau cõng. Trên đường về tôi miên man nghĩ và hiểu rằng ba lô gạo mà các bạn đồng nghiệp vùng biên giới cho chúng tôi tất nhiên cũng từ những líp thuốc, những con cá khô các bạn đổi với người dân nơi đây, phải chăng vì vậy mà nó nặng hơn bình thường?
Những năm sau này, chúng tôi cũng chưa có dịp lên lại B11. Còn anh P. mấy năm sau chuyển về dạy ở Pleiku. Anh Tuyên lấy vợ là cô giáo Minh dạy cùng trường rồi cả 2 cũng nghỉ dạy về lại Pleiku. Anh Tươi cũng vậy. Như bao vùng sâu, vùng xa khác trong huyện giờ đã đổi thay, B11 trở thành một vùng dân cư trù phú nhờ vườn cao su, vườn cà phê, điều và những thửa ruộng nước 2 vụ. Lên B11 đi theo đường mới, từ B14 (nay là xã Ia Tô của huyện Ia Grai) qua ngã ba Xe Tăng rồi rẽ vào, đường rải nhựa, đi xe máy chỉ khoảng một tiếng đồng hồ là đến nơi.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.