Níu chân du khách bằng không gian ẩm thực sinh thái

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau bao hối hả, tất bật của cuộc sống hiện đại, con người ta luôn có xu hướng tìm đến một chốn bình yên, trong lành để thư giãn và tận hưởng. Nắm bắt tâm lý này, một vài chủ nhà hàng, quán cà phê ở TP. Pleiku đã đầu tư xây dựng không gian theo kiểu sinh thái nhằm níu chân du khách mỗi khi đến thăm Phố núi.
Nằm giữa thung lũng, bao quanh là đồng lúa mênh mông với ao cá, cầu khỉ, với tiếng chim hót ríu rít và róc rách suối reo, quán Nhà Tôi (xã Trà Đa, TP. Pleiku) lâu nay được nhiều người đánh giá là nơi giao hòa, đồng điệu giữa thiên nhiên và lòng người. Không chỉ mang đến cho thực khách một tâm thế thư thả, thoải mái, chính lối thiết kế mở cũng đã góp phần tạo ra một không gian mộc mạc, mang đậm hồn cốt làng quê giữa lòng phố thị. Ông Trần Minh Hội-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh và cũng là chủ quán-cho biết, ngay từ lúc bắt tay xây dựng “đứa con tinh thần” của mình, ông đã có ý tưởng tạo ra một đặc trưng vùng miền-điều mà hầu hết mọi người đều muốn trải nghiệm và cảm nhận khi đến với Gia Lai. “Du khách ở đồng bằng, khi tìm đến cao nguyên sẽ cần một không gian sinh thái đậm chất buôn làng hơn là những nhà hàng sang trọng bởi những thứ đó đã khá quen thuộc và phổ biến ở nơi họ sống. Xa rời thành phố ồn ào, náo nhiệt, họ sẽ cảm thấy thư thái khi được hòa mình vào thiên nhiên yên bình, thanh tĩnh cùng cỏ cây, hoa lá, với âm thanh cồng chiêng, những điệu xoang và thưởng thức vài món nướng BBQ ngoài trời. Cái tên Nhà Tôi mà tôi đặt cho quán cũng nhằm mục đích tạo cho du khách cảm giác gần gũi, thoải mái như đang ở chính nhà mình”-ông Hội tâm sự.
Một góc không gian xanh mát tại quán cà phê Bốn Mùa Garden. Ảnh: Mộc Trà
Một góc không gian xanh mát tại quán cà phê Bốn Mùa Garden. Ảnh: Mộc Trà
Không dừng lại ở đó, chủ quán Nhà Tôi đã khiến khách thập phương phải “lưu luyến” với những món ẩm thực hấp dẫn cả thị giác lẫn vị giác. Ngoài các món ăn đặc trưng của địa phương như: bánh xèo tép nhảy Biển Hồ (nổi tiếng ở Pleiku từ trước năm 1975); gà nướng đậm đà gia vị ăn cùng muối lá é; rượu cần Tây Nguyên cay nồng… đến quán Nhà Tôi, mọi người còn được thưởng thức hương vị ẩm thực 3 miền Bắc-Trung-Nam và cả các nước bạn: Lào, Thái Lan, Campuchia. Ông Hội “bật mí”: “Vì có thời gian công tác tại các nước này trên 15 năm nên tôi cũng có một số kinh nghiệm về các món ăn ở đó. Tất cả gia vị đều được nhập từ các nước về nhằm đảm bảo món ăn đạt chuẩn vị nguyên bản nhất, tạo sức hút cho du khách”.
Sinh sống ở các thành phố lớn, nhiều người đã quá quen với việc phải uống cà phê giữa vỉa hè đầy bụi bặm, ồn ào tiếng xe cộ qua lại hay ép mình trong những “lồng kính”, những “khối bê tông” khô khan, nóng bức. Việc thưởng thức một tách cà phê đậm đà giữa khung cảnh thiên nhiên mát mẻ, trong lành cũng trở nên xa xỉ. Vì thế, khi đến với Gia Lai, bên cạnh thăm thú các thắng cảnh hoang sơ, không ít du khách đã tìm kiếm những mô hình cà phê sinh thái để thưởng thức và thư giãn. Anh Phạm Gia Quang (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) là một vị khách như vậy. Đã 8 lần đến với Gia Lai, ngay cả lần gần nhất vào tháng 7 vừa qua, anh Quang cùng gia đình đều ưu tiên lựa chọn những địa điểm ẩm thực hòa quyện với thiên nhiên, trong đó có quán Nhà Tôi và cà phê Bốn Mùa Garden (94 Trần Quý Cáp, TP. Pleiku). Anh Quang cho hay: “Tôi thường đến Gia Lai vào mùa hè. Mục tiêu khi đi du lịch của chúng tôi là làm sao cả nhà có tâm lý thật thoải mái, vui vẻ, được tận hưởng khung cảnh thiên nhiên trong lành để làm mới bản thân. Tôi thích uống cà phê ở Gia Lai trong không gian sinh thái vì những quán như thế này ở Sài Gòn không nhiều. Đặc biệt, vị cà phê ở địa phương các bạn rất đậm đà, thơm ngon, giá cả lại khá hợp lý”. 
Anh Phạm Quốc Nam-chủ quán cà phê Bốn Mùa Garden-chia sẻ, anh đã từng đến nhiều thành phố du lịch trên cả nước và nhận thấy những nơi này đều có các quán cà phê và nhà hàng được xây dựng theo mô hình sân vườn làm điểm nhấn. Chẳng hạn: Đà Lạt có Rainbow, Ma rừng lữ quán; Đak Lak có Làng cà phê Trung Nguyên; Kiên Giang có Sophia… Anh Nam thông tin: “Khách du lịch đa phần đều quan tâm đầu tiên là ở đâu, ăn gì, uống gì rồi mới bắt đầu nghĩ tới đi đâu chơi. Họ lên Tây Nguyên vì thích gần gũi với thiên nhiên, khám phá cuộc sống văn hóa cộng đồng. Do đó, tôi đã quyết định đầu tư xây dựng một quán cà phê sân vườn để làm điểm đến cho du khách trong những ngày lưu lại Pleiku”. Theo đó, quán có khuôn viên rộng gần 3.000 m2 với nhiều loại cỏ cây, hoa lá, suối nhân tạo... mang lại vẻ trong lành, thư thái.
 Du khách chụp ảnh lưu niệm tại quán Nhà Tôi (xã Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: M.T
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại quán Nhà Tôi (xã Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: M.T
Chủ quán cà phê Bốn Mùa Garden cũng tâm sự: “Tuy thời gian hoạt động của quán chưa lâu, song qua ghi nhận, đa số khách du lịch đến quán đều bày tỏ sự thích thú, đặc biệt là khách ở Hà Nội và Sài Gòn. Lượng khách quen của quán vì thế cũng tăng dần. Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện không gian quán, tôi còn chủ động làm việc với các hãng vận tải, trong đó có hãng xe Rạng Đông Limousine chuyên tuyến đường Nha Trang-Đak Lak-Gia Lai để giới thiệu về hình ảnh của quán. Sắp tới, tôi cũng muốn kết nối với một số quán cà phê, khách sạn, dịch vụ giải trí, quán ăn, cơ sở lưu trú… theo mô hình sinh thái trên địa bàn tỉnh để phục vụ du lịch. Du khách khi đến một trong các điểm trong chuỗi liên kết này sẽ được hưởng những ưu đãi giảm giá 5-10% tất cả các dịch vụ. Tôi cũng mong rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc kích cầu và phát triển du lịch như những năm gần đây, thời gian đến, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để làm du lịch, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp nhất của Gia Lai trong lòng du khách xa gần”.
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.