Kông Chro: Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đứng chân trên địa bàn huyện nghèo nhưng nhờ sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất, cảnh quan nên nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Kông Chro ngày càng xanh-sạch-đẹp, chất lượng dạy và học được nâng lên.
Trường Mầm non An Trung (xã An Trung) là một trong những điển hình về vận dụng hiệu quả công tác xã hội hóa, góp phần vào việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trường hiện có 14 lớp với 344 học sinh, trong đó hơn 60% là học sinh dân tộc thiểu số, đội ngũ giáo viên, trang-thiết bị còn thiếu. Vì vậy, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có những giải pháp tích cực để từng bước khắc phục. Cô Nguyễn Thị Thanh Anh-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Đội ngũ giáo viên luôn xem trường học là nhà, chung tay xây dựng môi trường, khai thác từng góc sân chơi phù hợp. Đồng thời, phối hợp với Hội cha mẹ học sinh, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, Đoàn xã trong công tác tuyên truyền xã hội hóa giáo dục. Giáo viên trực tiếp đến từng nhà giải thích và khuyến khích phụ huynh tham gia đóng góp ngày công vào các hoạt động như: làm đường bê tông trước cổng trường, làm khu vui chơi phát triển vận động cùng các mô hình giúp học sinh vừa học vừa chơi, trải nghiệm thực tế”. 
Khu vui chơi tại Trường Mầm non An Trung được làm công phu, khoa học giúp trẻ tích cực hoạt động, rèn luyện sức khỏe. Ảnh: N.T
Khu vui chơi tại Trường Mầm non An Trung được làm công phu, khoa học giúp trẻ tích cực hoạt động, rèn luyện sức khỏe. Ảnh: N.T
Nhờ vậy, năm học 2018-2019, nhà trường đã xây dựng được 3 khu vui chơi cho trẻ và sân chơi bằng bê tông tại các điểm trường làng Ki A, Biên, Chiêu Liêu… với kinh phí 56 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, phụ huynh còn tham gia đóng góp 100 ngày công lao động để tham gia các phần việc: chặt tre, vẽ tranh, nhặt đá, đổ đất… “Con em mình được sử dụng, học tập, vui chơi từ những mô hình do mình góp sức làm ra nên chúng tôi ủng hộ nhiệt tình”-ông Đinh Huê (làng Biên) cho hay. Từ những kết quả trên, Trường Mầm non An Trung đã được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia năm học 2018-2019.
Không chỉ là đóng góp ngày công, vật chất, công tác xã hội hóa giáo dục ở Kông Chro còn được tổ chức bằng nhiều hình thức, qua đó chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ, nâng cao chất lượng học sinh.
Ở Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Kông Yang), giáo viên luôn phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội để tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học về nuôi dạy trẻ cho cha mẹ; thực hiện phòng bệnh, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em. Cô Tướng Thị Kim Gái-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: Chúng tôi đến từng nhà vận động, khuyến khích phụ huynh phối hợp cùng giáo viên để thống nhất phương pháp nuôi dạy, giáo dục trẻ không chỉ trên lớp mà còn ở nhà. Nhờ vậy, nhiều phụ huynh đã biết chăm sóc, nuôi dạy con đúng cách. Chị Đinh Thị Nghét (làng Hưnh Dơng) bày tỏ: “Nhờ các cô hướng dẫn, giải thích mà tôi hiểu rõ hơn về tâm lý của con, biết cách chăm sóc, dạy dỗ con tốt hơn”.
Phụ huynh Trường Mầm non Hoa Hồng (xã Kông Yang) tích cực tham gia xây dựng không gian
Phụ huynh Trường Mầm non An Trung tích cực tham gia xây dựng không gian "Chợ quê" cho học sinh. Ảnh: N.T
Từ việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của cộng đồng để chăm lo cho giáo dục mầm non, năm học 2018-2019, 14 trường mầm non trên địa bàn huyện Kông Chro đã huy động được hàng trăm ngày công của phụ huynh, người dân trên địa bàn với tổng số tiền gần 100 triệu đồng để làm nhà rông, thư viện ngoài trời, góc văn hóa địa phương…  
Ông Đỗ Xuân Dũng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kông Chro-khẳng định: Huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị trường học làm tốt công tác dân vận, vận động duy trì sĩ số học sinh, tạo môi trường thuận lợi cho trẻ học tập, vui chơi. Đồng thời, tập trung việc tăng cường công tác xã hội hóa để góp phần xây dựng cơ sở vật chất; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn; tạo điều kiện để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Phấn đấu trong năm học 2019-2020 có 1 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 4/14 trường học.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.