Tạo đà cho du lịch "cất cánh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với những tiềm năng và thế mạnh vốn có, huyện Kbang (Gia Lai) đang tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều tour du lịch cũng đang được hình thành và hứa hẹn sẽ hút khách trong tương lai.
Đầu tư hạ tầng
Để thúc đẩy du lịch phát triển, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là những vấn đề cần được chú trọng. Theo ông Đào Xuân Sửu-Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng huyện Kbang, giai đoạn 2018-2019, đơn vị được giao triển khai thực hiện 6 công trình xây dựng dân dụng và giao thông kết hợp phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn với tổng mức đầu tư hơn 42,1 tỷ đồng. Đến nay, các tuyến đường dẫn đến các điểm du lịch gồm: đường vào xã Đak Rong (đoạn từ UBND xã đi làng Kon Lốc 2 đến thác Kon Lốc 2) dài 5,47 km; đường Lê Văn Tám (đoạn từ đường Hoàng Hoa Thám đến thác Hang Dơi, thị trấn Kbang) dài 4,01 km và đường vào Khu Di tích lịch sử Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An) dài 3,3 km đã hoàn thành. Riêng đường tuần tra nội bộ Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (xã Sơn Lang) dài gần 11,2 km đã hoàn tất được 80% kế hoạch và dự kiến hoàn thiện vào tháng 9 tới.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn cán bộ của tỉnh trong chuyến khảo sát du lịch tại thác 50 (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang). Ảnh: Ngọc Sang
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang (thứ 2 từ phải qua) cùng đoàn cán bộ của tỉnh trong chuyến khảo sát du lịch tại thác 50 (Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang). Ảnh: Ngọc Sang
“Vừa qua, huyện cũng đã tổ chức khánh thành Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Đồn Ka Nak tại trạm trung phẫu suối Đak Lốp và Nhà bia Khu Di tích lịch sử Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu. Trong đó, công trình Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Đồn Ka Nak có tổng mức đầu tư 427 triệu đồng, do Nhóm thiện nguyện Tâm Hiểu Thương hỗ trợ 400 triệu đồng và Công ty Xây dựng Tân Tiến Kbang đóng góp 27 triệu đồng”-ông Sửu thông tin thêm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Kbang có 2 khách sạn, 1 nhà khách và 6 nhà nghỉ với 116 phòng nghỉ có khả năng phục vụ cùng lúc 348 khách. Bên cạnh vận động, kêu gọi các cá nhân đầu tư, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn…, huyện cũng tập trung xây dựng các cơ sở lưu trú với mô hình du lịch cộng đồng gắn với đời sống, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số dọc các tuyến đường kết nối giữa những điểm đến tham quan. Ngoài ra, huyện đang kêu gọi xã hội hóa để đầu tư hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng đến tất cả các điểm di tích, thắng cảnh nhằm tạo thuận lợi cho du khách trong quá trình đến tham quan, du lịch tại Kbang. Huyện cũng đã tiến hành lắp đặt 12 biển chỉ dẫn, 5 bảng nội quy tại các điểm di tích, du lịch sinh thái như: Khu 10 xã Krong, Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu, Làng kháng chiến Stơr và các thác: Hang Dơi, Kon Bông, Kon Lốc, Đak Bok…
Hình thành các tour du lịch
Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến địa phương không ngừng tăng lên. Nếu năm 2018, Kbang đón khoảng 10.000 lượt du khách thì dự kiến năm 2019 sẽ vượt xa con số này. Tính từ đầu năm đến nay, tổng số khách đến huyện tham quan, du lịch đạt gần 6.000 lượt; trong đó có 35 đoàn đăng ký chính thức với khoảng 3.500 khách. Du khách chủ yếu đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Định và trong tỉnh.
 Biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách tại Làng kháng chiến Stơr. Ảnh: H.T
Biểu diễn cồng chiêng phục vụ du khách tại Làng kháng chiến Stơr. Ảnh: H.T
Thông qua việc tăng cường quảng bá du lịch, một số doanh nghiệp lữ hành như Sài Gòn Tourist TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn Tourist Đà Nẵng… đã đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch tại huyện Kbang. Dù chưa có “cái bắt tay” chính thức, song đây hứa hẹn sẽ là cầu nối đưa du khách đến với vùng đất Kbang trong tương lai gần. Ông Đinh Đình Chi-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kbang-cho biết, mới đây, huyện đã liên kết với Công ty TNHH một thành viên Du lịch quốc tế Hải Vân Sài Gòn Travel (TP. Pleiku) xây dựng 6 tour du lịch trải nghiệm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện với từng mức giá hợp lý trong thời gian 1 ngày và 2 ngày-1 đêm.
Cụ thể: tour thứ nhất, du khách sẽ xuất phát từ Làng kháng chiến Stơr và Nhà lưu niệm Anh hùng Núp để đi đến Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak rồi tới thác Hang Dơi; tour thứ 2, điểm dừng chân đầu tiên là Khu Di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong, tiếp theo là Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak, Di tích lịch sử Làng kháng chiến Stơr và Nhà lưu niệm Anh hùng Núp; tour thứ 3 đi từ Làng kháng chiến Stơr và Nhà lưu niệm Anh hùng Núp đến Làng truyền thống Mơ Hra, Di tích vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, Di tích lịch sử Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu; từ tour thứ 4 đến thứ 6, du khách sẽ được hòa mình trong thiên nhiên với thác Kon Bông, thác Kon Lốc, thác Rêu, thác 50, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng và các vườn cây ăn quả ở xã Sơn Lang. Các tour du lịch này sẽ bắt đầu triển khai trong thời gian diễn ra Ngày hội Du lịch Kbang lần thứ 2 năm 2019.
2-	Một góc trưng bày tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung). Ảnh Hồng Thi
Một góc trưng bày tại Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung). Ảnh: Hồng Thi
“Để tăng sức hấp dẫn, huyện Kbang sẽ đầu tư củng cố các loại hình văn hóa-nghệ thuật phục vụ du khách. Trước mắt là thành lập các đội, tổ, nhóm trình diễn nghề truyền thống, thí điểm ở 6 làng gồm: Stơr, Kgiang, Tờ Mật, Lợt, Mơ Hra, Chiêng; phục dựng các lễ hội truyền thống của người đồng bào tại địa phương như mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, cầu mưa, thổi tai; củng cố lại các đội cồng chiêng tiêu biểu ở từng xã… Qua đó, góp phần nâng cao ý thức của cư dân bản địa trong việc làm du lịch, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con từ sản phẩm du lịch do chính họ tạo ra”-ông Chi cho hay.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.