Những chuyến thiện nguyện giàu tính nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, nhiều hoạt động thiện nguyện được tổ chức trên địa bàn tỉnh đã thể hiện sự tri ân, quan tâm của cộng đồng đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng và hộ nghèo. Đáng chú ý là các chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà.
Đến với vùng khó
Sáng sớm 13-7, Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp với Hội Chữ thập đỏ phường 1 (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) và Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 500 người nghèo, gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn xã Ia Pia-một trong những xã khó khăn của huyện Chư Prông. Bác sĩ Nguyễn Đức Phú (Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP. Hồ Chí Minh)-trưởng đoàn-cho biết: “Thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai, chúng tôi được biết người dân ở xã Ia Pia chủ yếu mắc các bệnh liên quan đến tai-mũi-họng, đau nhức cơ khớp, da liễu... nên đoàn đã huy động các cơ số thuốc liên quan và kêu gọi y-bác sĩ của Bệnh viện cùng tham gia khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con”.
Hay tin có đoàn y-bác sĩ Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP. Hồ Chí Minh về xã, bà con đến từ rất sớm. Mọi người lần lượt vào nộp phiếu, khám và nhận thuốc. Niềm vui hiện lên trên từng gương mặt, ánh mắt của mỗi người. Ông Rơ Châp Chóp (SN 1949, trú làng Hát 2), từng là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước hồ hởi nói: “Mấy hôm nay thời tiết lúc mưa, lúc nắng khiến tôi thấy nhức mỏi toàn thân nhưng con cái chưa có thời gian đưa đi bệnh viện. Nay được các bác sĩ về khám và cho thuốc, tôi mừng lắm, toàn thuốc tốt, lại có cả thuốc bổ nữa”. Bà Rơ Mah Bua (SN 1940, trú làng Khô) thì cho hay: “Mấy hôm nay tôi thấy trong người không được khỏe, khó thở, lại ho nhiều. Bác sĩ khám và nói tôi bị viêm đường hô hấp trên, cho thuốc uống và dặn dò phải uống đúng liều, ăn uống sạch sẽ để có sức khỏe tốt”. Cầm gói thuốc vừa được bác sĩ kê cho, bà Kpuih Glép (SN 1946, trú làng Ngó) xúc động: “Tôi thường bị ho, kèm với những cơn đau vùng bụng nhưng chưa có điều kiện đi khám. Nhờ có bác sĩ về đây khám tôi mới biết mình bị viêm dạ dày và viêm phổi. Bác sĩ cho thuốc và còn khuyên uống thuốc điều độ, thay đổi thói quen sinh hoạt, không hút thuốc lá nữa để đảm bảo sức khỏe…”.
  Các y-bác sĩ Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho người dân xã Ia Pia (huyện Chư Prông). Ảnh: HỒng Ngọc
Các y-bác sĩ Bệnh viện Tai-Mũi-Họng TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho người dân xã Ia Pia (huyện Chư Prông). Ảnh: Hồng Ngọc
Ông Nguyễn Bá Nhung-Chủ tịch UBND xã Ia Pia-cho biết: Toàn xã có 1.458 hộ, 6.144 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 61% và có gần 50 gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hầu hết đều có cuộc sống khó khăn. Do vậy, đa số bà con chưa thực sự chú trọng đến sức khỏe của mình, chỉ khi nào bệnh nặng mới đến cơ sở khám-chữa bệnh. Chính vì vậy, việc tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn tại địa phương là điều rất ý nghĩa, thiết thực”.
Ngoài việc khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, Hội Chữ thập đỏ phường 1 (quận Bình Thạnh) và Hội từ thiện Tự nguyện TP. Hồ Chí Minh còn trao 500 phần quà cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn của xã Ia Pia với tổng giá trị trên 180 triệu đồng.
Thực hiện tốt chính sách hậu phương-quân đội
Mới đây, đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 211 (Quân đoàn 3) cũng vừa tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng và hộ nghèo xã Hnol (huyện Đak Đoa). Đây là hoạt động thường niên của đơn vị vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ hàng năm, góp phần thực hiện tốt chính sách đối với người có công, chính sách hậu phương-quân đội và xây dựng thế trận lòng dân.
Mới sáng sớm, điểm trường Tiểu học xã Hnol tại làng Hlang đã rộn rã tiếng nói cười. Đây là nơi các y-bác sĩ sẽ tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân. Được thông báo trước đó nên rất đông bà con trong làng tập trung đến sớm để vừa giúp bộ đội kê dọn đồ đạc, vừa đợi đến lượt khám bệnh. Anh Blum-Trưởng thôn  Hlang-chia sẻ: “Lần đầu tiên các bác sĩ về khám bệnh tại làng mình nên bà con háo hức lắm, có nhiều người có bệnh mà không dám đi chữa vì xấu hổ, ngại chỗ đông người. Mình mong bác sĩ bắt được cái bệnh, chữa khỏi cho họ để yên tâm làm ăn”.
Làng Hlang có 142 hộ dân với hơn 600 khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số, 20% hộ nghèo. Khi bị bệnh, bà con thường ở nhà tự chữa bằng những cách thức “gia truyền”; chỉ một số ít đến trạm y tế xã thăm khám. Lần này, các bác sĩ, nhân viên y tế về tận nơi, giải thích tận tình nên từ người già đến trẻ em đều có mặt để được khám bệnh. Không ai bảo ai, bà con tự giác xếp hàng, lần lượt vào đăng ký khám bệnh. Đoàn công tác của Bệnh viện Quân y 211 đã mang theo rất nhiều các trang-thiết bị, phương tiện nhằm giúp việc khám bệnh tại chỗ đạt hiệu quả cao như: máy siêu âm, điện tim, máy soi khám mắt… 
Vừa được các bác sĩ khám xong và đang đợi cấp thuốc, bà Hlem (74 tuổi) vui vẻ nói: “Mấy hôm nay mình hơi tức ngực mà mấy đứa con bận công việc nên chưa đưa đi bệnh viện được. Hôm nay các bác sĩ về tận làng khám bệnh miễn phí, còn được nhận quà nữa, mình vui lắm”. Với những người già yếu không thể đến được, đoàn công tác cử 2 bác sĩ trực tiếp đến khám, điều trị. Đó là ông Amar, bà Dơl ở làng Bot, ông Byor ở làng Sơl… Đại tá, bác sĩ Võ Văn Khôi-Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 211-cho biết: “Đa phần bà con bị các bệnh thông thường như đau đầu, đau bụng, viêm da; trẻ em thì sốt và ho khá nhiều. Các trường hợp bệnh nhẹ chúng tôi khám và kê đơn, cấp thuốc trực tiếp; một số trường hợp nặng hơn thì chỉ định và giới thiệu lên tuyến trên để thuận lợi hơn trong việc chữa trị”. Tổng giá trị của đợt khám bệnh, cấp thuốc và tặng quà là trên 130 triệu đồng.
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, chỉ trong 1 ngày, đoàn đã khám bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 500 người dân. Có mặt trong suốt buổi làm việc của đoàn, chị Hoàng Mai Tuyết-Bí thư Đảng ủy xã Hnol-tâm sự: “Đã làm việc rất nhiều với các đoàn công tác, song với bộ đội lúc nào tôi cũng thấy các anh chị rất thân thiện, nhanh nhẹn và chuyên nghiệp khiến bà con thấy gần gũi, ấm áp hơn. Cảm ơn Bệnh viện Quân y 211 rất nhiều”.
 HỒNG NGỌC-DUY HIỂN

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.