Người đẽo tượng nhà mồ thuở ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1985, tôi là cán bộ tăng cường ở xã Ia Lang, huyện Chư Prông (nay thuộc huyện Đức Cơ). Hồi đó, xã chưa có trụ sở nên có việc gì đều phải đến nhà Chủ tịch UBND xã Rơ Lan Bá ở làng Dit Le. Từ thôn Thanh Giáo-nơi tôi trọ đến nhà ông phải băng qua một cánh rừng rậm, giữa cánh rừng ấy là một khu nhà mồ. 
Lần đầu tiên một mình ngang qua, tôi không nén được cảm giác rờn rợn bởi quang cảnh thâm u, xa vắng… Quanh khu nhà che mộ tã tượi nắng mưa là một thế giới tượng gỗ mô phỏng muông thú và những đàn ông, đàn bà đứng khỏa thân; những hình người ngồi 2 tay ôm mặt khóc… Trong mọi tư thế, âm hưởng chung là một nỗi buồn hắt hiu mà sâu lắng đến quặn lòng. Tôi chợt nhận ra, làm nên âm hưởng này cho nhà mồ là những bức tượng mà nếu thiếu chúng, nhà mồ Tây Nguyên cũng chỉ là một nghĩa địa như với mọi dân tộc khác, không hơn…
Tượng nhà mồ. Ảnh: Đức Thụy
Tượng nhà mồ. Ảnh: Đức Thụy
Vậy là sự tò mò trỗi lên. Tôi hỏi ông Bá, người đẽo tượng nhà mồ ấy là ai, có thể xem họ tiến hành công việc thế nào được không. Ông Bá gật đầu: “Được mà. Tháng nữa làng có pơ thi rồi. Ông Blới đang đẽo tượng cho người ta đấy. Muốn đi coi thì mai đến đây mình nói ông ấy cho”.
Sáng y hẹn tôi đến. Chẳng nói chẳng rằng, Blới khoát tay ra hiệu theo ông. Chúng tôi lội qua con suối nhỏ rồi ngược lên con dốc thoai thoải. Dưới tán cây rậm, những súc gỗ còn tươi đã được đẵn thành từng đoạn, trong đó có súc đã phác thảo hình người, hình muông thú… Ngắm nghía chúng một lúc, ông Blới bắt đầu công việc. Lưỡi rìu trong tay ông lúc ngập ngừng, lúc thoăn thoắt vạch những vệt sáng lên súc gỗ. Ông như đã quên rằng tôi đang có mặt bên cạnh. Mãi đến khi ông dừng tay quấn thuốc hút tôi mới dè dặt hỏi: “Chú làm nghề đẽo tượng nhà mồ lâu chưa, ai bày cho chú vậy?”. “Ồ không có nghề đâu, không ai dạy cho đâu!”.
Và ông giảng giải: Nhà mồ thì làng nào cũng có nhưng không phải làng nào cũng có người biết đẽo tượng mồ. Dù vậy, nó không phải là nghề để kiếm sống và cũng không ai cầm tay dạy cho ai. Người nào muốn hãy tự mình quan sát, tự mình thực hành cho đến khi được làng công nhận. Người biết đẽo tượng mồ là người có bàn tay được Yàng (trời) cho, có cái đầu được Yàng bảo nên phải phục vụ dân làng vô điều kiện, vậy thôi. “Sao chú không mang về nhà đẽo cho khỏi mất công vào rừng? Biết đâu có khách du lịch tới làng, người ta hỏi mua thì chú lại chẳng có dịp kiếm tiền hay sao?”-tôi hỏi. “Tầm bậy tầm bạ, không được nói tầm bậy tầm bạ thế!”.
Ông gần như quát lên. Tôi ngơ ngác không hiểu mình đã nói điều gì xúc phạm đến ông. Thấy vẻ mặt sượng sần của tôi, chừng như thương hại, ông hạ giọng giảng giải. Và bấy giờ thì tôi đã hiểu… Pơ thi (bỏ mả) là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong vòng đời của một con người. Sau khi chết, họ phải được làm lễ để giải thoát, về với làng ma vĩnh viễn. Trước lễ pơ thi, trong không khí rậm rịch chuẩn bị của cả làng, người đẽo tượng sẽ được các gia chủ mời vào rừng. Ngả được thân cây vừa ý xuống, chỉ bằng con dao và chiếc rìu, họ bắt đầu miệt mài thực hiện “tác phẩm” của mình… Không bị câu thúc bởi thời gian hay một sự gợi ý “đặt hàng” nào từ gia chủ, người đẽo tượng hoàn toàn được tự do sáng tác theo ý mình. Chính sự tự do đó mà với những thời khắc nhất định, họ vụt hóa thân trong những “vụ nổ tâm linh” đầy ma thuật. Đẽo một khúc gỗ thành hình người thì không khó nhưng gieo được vào nó những nỗi khắc khoải trần thế, hóa thân vào một kiếp người đằng sau những nhát rìu thô tháp, thậm chí là ngây ngô thì chỉ người tạc tượng mồ đã thành danh mới làm nổi.
Tượng mồ-như tên gọi của nó-chỉ được đặt ở nhà mồ. Người tạc tượng khi đã bắt tay vào công việc, dù tác phẩm còn dở dang cũng không được mang về nhà hay đến khu nhà mồ làm tiếp. Đặc biệt, họ không bao giờ được vụ lợi trong công việc; không bao giờ được phép mang tượng đi rao bán hay đổi chác… Sau lễ tiễn người chết về “làng ma”, tượng mồ cũng để mặc cho tàn tạ cùng mưa nắng. Và người đẽo tượng cũng coi “tác phẩm” của mình như là sự một đi không trở lại của kiếp người.
Thời gian gần đây, trong những dịp lễ hội được sân khấu hóa, ở một số nơi người ta bày chuyện thi tạc tượng nhà mồ, để rồi sau các cuộc thi, những “tượng nhà mồ” ấy sẽ được phơi trong các công viên, nhà hàng với lý do “bảo tồn văn hóa”. Ôi thôi...
Ngọc Tấn

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.