Người dân Dun Bêu hiến đất làm đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trở lại Dun Bêu (thị trấn Chư Sê) hôm nay, đi trên những con đường mới khang trang, sạch đẹp, lòng lại tràn ngập cảm xúc. Để có được diện mạo mới hiện nay, người dân nơi đây đã chủ động hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn.
Dẫn chúng tôi đi thăm con đường nhựa thẳng mịn vừa được thảm cách đây chưa lâu ở xóm 1 (làng Dun Bêu), Trưởng thôn Nguyễn Trọng Hòa phấn khởi nói: Trước kia, đây là con đường đất dài 250 m, rộng chỉ chừng 2 m xuyên qua những rẫy cà phê. Thấy việc đi lại khó khăn, nhất là khi mùa mưa đến nên cả thôn bàn nhau mỗi nhà tự nguyện lui vào mỗi bên 1 hàng cà phê (tương ứng 3 m) để mở rộng và nâng cấp thành đường 8 m. “Sau đó, theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chúng tôi đóng góp ngày công cùng với kinh phí hỗ trợ từ Nhà nước để làm nên con đường này. Tính sơ sơ, riêng đoạn này, các hộ dân trong thôn đã hiến khoảng 1.500 m2 đất để làm nên con đường mới rộng đẹp, sạch sẽ”-ông Hòa kể lại.
Ông Nguyễn Trọng Hòa trên con đường liên thôn mà người dân Dun Bêu tự nguyện hiến đất, góp công nâng cấp theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ảnh: Hải Lê
Ông Nguyễn Trọng Hòa trên con đường liên thôn mà người dân Dun Bêu tự nguyện hiến đất, góp công nâng cấp theo chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Ảnh: Hải Lê
Làng Dun Bêu hiện có 374 hộ với 1.706 khẩu, trong đó có 106 hộ với 600 khẩu người Jrai. Dù nằm cách trung tâm thị trấn Chư Sê chỉ 2 km nhưng do đất đai phần lớn là đất xám bạc màu nên việc canh tác, phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, từ năm 2017 đến nay, người dân tự nguyện hiến không dưới 5.000 m2 đất cho việc đầu tư mở rộng đường. Trong đó, nhiều hộ hiến đến 200-300 m2; số hộ hiến vài chục mét vuông thì phải đến hàng trăm hộ. Nhờ đó, chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm, thôn đã làm được 7 con đường với tổng chiều dài 3,5 km theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. “Khi hiểu và đón nhận chủ trương, họ tự nguyện san sẻ một phần để cùng chung tay làm đường vì suy cho cùng, chính họ và người thân là những người được hưởng lợi trực tiếp từ việc nâng cấp con đường ấy”-ông Hòa nói.
Trong số những người sẵn sàng hiến đất, góp công phải kể đến hộ ông Võ Xuân Tuấn. Ngoài hiến 120 m2 đất nông nghiệp để mở rộng con đường từ 3 m lên 6 m, ông Tuấn còn bỏ ra thêm một khoản kinh phí hỗ trợ cũng như đóng góp ngày công để nâng cấp lên thành đường bê tông. Tương tự, hộ ông Nguyễn Văn Bổng cũng rộng lòng hiến 250 m2 đất để mở rộng đường. “Ngày trước khi còn đường đất, chúng tôi bao năm sống trong cảnh bụi đất mỗi mùa khô và trơn trượt, lầy lội khi mùa mưa về. Tôi đọc báo, nghe đài thấy người dân các vùng sâu, vùng xa còn khốn khó hơn mình cũng sẵn lòng góp công, góp của làm đường. Vậy thì hà cớ gì mình lại không làm được? Được sự đồng ý, tạo điều kiện từ phía chính quyền địa phương, chúng tôi họp nhau thống nhất đồng lòng hiến đất để làm con đường rộng rãi, khang trang hơn, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương của bà con”-ông Bổng cho hay. 
Ông Phạm Quốc Hương (tổ 7, thị trấn Chư Sê) cũng là một trong những hộ đi đầu trong việc hiến đất làm đường tại làng Dun Bêu. Gia đình ông Hương có hơn 7.000 m2 đất trồng cà phê tại làng. Khi thị trấn Chư Sê có chủ trương làm đường giao thông nông thôn qua khu vực đất rẫy nhà ông, ông đã làm đơn tự nguyện hiến 300 m2 đất. Ngoài việc chấp nhận phá bỏ 30 cây cà phê đang kỳ thu hoạch để giải phóng mặt bằng, ông còn góp sức cùng chính quyền, người dân địa phương để mở rộng con đường từ 3,5 m lên 6 m. Nhìn con đường bê tông mới, rộng rãi, sạch đẹp, ông Hương cho biết: “Tôi nhận thấy việc tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn là một hành động đẹp để giúp xóm làng thêm khang trang, bản thân gia đình mình cũng hưởng lợi. Cho nên, tôi cảm thấy rất thoải mái và rất ủng hộ việc bà con hiến đất để làm đường”.
Nói về phong trào hiến đất làm đường của người dân Dun Bêu, ông Phạm Quốc Hoan-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê-đánh giá: Làng Dun Bêu là một trong những điểm sáng về phong trào hiến đất làm đường. Nhờ sự đồng lòng này mà làng đã sớm bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường. Sau khi khảo sát nhu cầu mở rộng, nâng cấp đường, nếu đảm bảo các tiêu chí chiều rộng đường từ 3 m trở lên thì UBND thị trấn sẽ đề xuất huyện xem xét phân bổ đầu tư theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Vì phần lớn các tuyến đường liên thôn, xóm trước đây nhỏ hẹp nên để đáp ứng đủ yêu cầu diện tích tối thiểu, các hộ dân trong phạm vi tuyến đường sẽ phải hiến đất. Sau khi các hộ có đơn tự nguyện hiến đất, cán bộ địa chính sẽ hướng dẫn các thủ tục chỉnh lý quyền sử dụng đất để bóc tách phần diện tích đất đã hiến. Khi mặt bằng đảm bảo, nếu qua xét duyệt, huyện công nhận chủ trương đầu tư thì tuyến đường sẽ được triển khai thi công.
Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.