Ia Pa: Truyền thanh cơ sở đến với người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình báo chí hiện đại, hệ thống truyền thanh cơ sở ở huyện Ia Pa vẫn phát huy vai trò nhờ tính hiệu quả trong công tác tuyên truyền.
Xã Chư Mố hiện đang trong giai đoạn đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Do đó, mọi chủ trương, chính sách và các hoạt động trong chương trình đều được tuyên truyền rộng rãi đến người dân thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở. Ông Nay Bướng (làng Pa Malim) cho biết: “Tôi thường xuyên nghe các thông tin thời sự phát qua hệ thống loa truyền thanh của làng. Tôi thấy những thông tin này rất bổ ích. Ngoài ra, tôi còn học hỏi được những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng lúa năng suất cao, trồng mì cao sản để từ đó áp dụng vào việc sản xuất của gia đình”.
Cán bộ văn hóa xã Chư Mố trong một chương trình truyền thanh. Ảnh: Như Loan
Cán bộ văn hóa xã Chư Mố trong một chương trình truyền thanh. Ảnh: Như Loan
Để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân và giúp công tác tuyên truyền được kịp thời, hiệu quả, xã Chư Mố đã được quan tâm đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng trạm truyền thanh không dây với 18 cụm loa rải đều tại các khu dân cư. Đều đặn mỗi ngày, Trạm Truyền thanh xã thực hiện tiếp sóng 3 buổi: sáng, trưa, chiều để cập nhật các thông tin diễn ra trong nước, trong tỉnh, huyện và xã đến với người dân. Chị Rahlan H’Kin-cán bộ văn hóa xã Chư Mố-cho biết: “Tôi thường xuyên xuống các thôn, làng để nắm bắt tình hình và kịp thời xử lý các sự cố liên quan đến hệ thống loa đài để không làm gián đoạn mạch thông tin của người dân”.
Theo ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Chư Mố, những năm qua, cùng với công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở đã góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời, đặc biệt là những mô hình hay, cách làm mới trong sản xuất để từ đó người dân áp dụng nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo. “Hệ thống loa không dây trên địa bàn hoạt động rất tốt, cơ bản phục vụ nhu cầu thông tin cho bà con, nhất là những hộ không có đài, ti vi”-ông Jú cho hay. 
Hiện nay, huyện Ia Pa đã trang bị 6 trạm truyền thanh không dây tại các xã với hàng trăm cụm loa được lắp đặt tại các thôn, làng. Ngoài nhiệm vụ tiếp sóng, phát sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện còn sản xuất các chương trình phát thanh phục vụ cho nhiệm vụ tuyên truyền của huyện. Theo đó, mỗi tuần, Trung tâm sản xuất 5 chương trình thời sự phát thanh, trong đó có 3 chương trình tiếng phổ thông phát từ thứ hai đến thứ sáu, 2 chương trình tiếng Jrai phát vào thứ bảy và chủ nhật với thời lượng 15 phút/chương trình. Nội dung chương trình phản ánh sinh động các sự kiện diễn ra trên địa bàn, giúp người nghe tiếp nhận những tin tức mới nhất, những vấn đề “nóng” đang được quan tâm.
Ông Lê Hữu Hưng-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa-chia sẻ: “Để hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống kiểm tra sửa chữa loa đài, khắc phục sự cố để không bị gián đoạn thông tin đến với bà con. Ngoài ra, chúng tôi còn phân công phóng viên bám sát từng địa bàn, đưa thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, không ngừng nâng cao chất lượng chương trình để thu hút bạn nghe đài. Là huyện có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2017 đến nay, chúng tôi cũng đã sản xuất thêm chương trình thời sự tiếng Jrai, giúp bà con tiếp nhận thông tin một cách kịp thời, chính xác nhất”.
Như Loan

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.