Dân làng O Deh làm giàu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng không có hộ thu nhập tiền tỷ mỗi năm, thế nhưng người dân trong xã Ia Pết (huyện Đak Đoa, Gia Lai) vẫn truyền tai nhau: O Deh là ngôi làng giàu nhất xã. Chúng tôi đem thắc mắc ấy tìm về O Deh vào những ngày đầu tháng 7.
Mở đầu câu chuyện, ông Chuin-Chủ tịch UBND xã Ia Pết đã nhanh chóng giải đáp thắc mắc của chúng tôi: Toàn xã có 1 thôn và 9 làng (trong đó có 1 làng người Bahnar và 8 làng người Jrai). Nói là giàu nhất thì không hẳn, tuy nhiên so với mặt bằng chung của các làng trong xã, thu nhập của người dân O Deh có phần ổn định hơn. Tỷ lệ hộ nghèo trong làng cũng thấp hơn so với các làng khác.
  ông Soch cho hay, gia đình ông dự định sẽ tiếp tục tái canh 400 cây cà phê. Ảnh: P.D
ông Soch cho hay, gia đình ông dự định sẽ tiếp tục tái canh 400 cây cà phê. Ảnh: P.D
Ông Sal-Trưởng thôn O Deh-cũng cho hay: người dân trong làng rất cần cù, chịu khó. Ngoài trồng lúa nước để đảm bảo lương thực, từ những năm 1995-1996, một số hộ dân đã học hỏi người Kinh đem cây cà phê về trồng quanh vườn. Về sau, thấy cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao, người dân đã học hỏi lẫn nhau để mở rộng diện tích, đồng thời mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, từng bước cải thiện cuộc sống. Trưởng thôn Sal cho hay, đến nay 100% hộ dân trong làng đều có diện tích cà phê và lúa; hộ nào nhiều thì vài héc ta, hộ ít cũng có 1 sào lúa cùng vài trăm cây cà phê. Đặc biệt, người dân rất quý đất sản xuất nên chỉ có mua thêm chứ ít bán, nhiều hộ còn tìm đến các làng, các xã lân cận để mua... Trong làng hiện có khoảng 30-40 hộ thu nhập bình quân trên 150 triệu đồng/năm và khoảng 80-90% gia đình đã tự mua xe công nông phục vụ sản xuất. 
Với thu nhập bình quân 300-400 triệu đồng/năm, ông Soch được xem là hộ giàu nhất làng O Deh. Ông Soch kể: “Diện tích đất xung quanh vườn nhà khá rộng nhưng trước giờ mình toàn để trống, cỏ mọc um tùm. Thấy người Kinh trồng cà phê cho thu nhập cao, năm 1996 mình bàn với vợ mua 200 cây cà phê mít về trồng thử”. Vài năm sau, cà phê bắt đầu cho thu hoạch, ông bán cà phê và mua bò về nuôi. Có thời điểm đàn bò của gia đình lên đến hơn 30 con nhưng sau đó ông chỉ giữ lại vài con để nuôi lấy phân bón cho cây, còn lại bán hết để mua thêm đất sản xuất. Đến khi 6 người con lập gia đình, ông chia cho mỗi người 4 sào đất ruộng và 8 sào đất rẫy. “Hiện tại vợ chồng mình còn hơn 3 ha cà phê, 500 trụ hồ tiêu, 1,5 ha ruộng lúa và 2 con bò. Năm vừa rồi, mình tái canh trồng mới 500 cây cà phê già cỗi và dự định sẽ tiếp tục tái canh thêm 400 cây cà phê nữa”-ông Soch bộc bạch.
Không chỉ cần cù, chịu khó, người dân trong làng O Deh còn đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau vươn lên trong cuộc sống, khi thì hỗ trợ gạo, lúc ngày công lao động, có khi là tiền để hộ nghèo mua tôn sửa nhà, làm lại nền nhà... Thoát nghèo năm 2018, chị A Yung-một hộ dân trong làng O Deh-chia sẻ: “Khi kết hôn, vợ chồng mình được cha mẹ hai bên chia cho 2 sào đất trồng cà phê và 1 sào đất trồng lúa 1 vụ. Do không có tiền đầu tư, không biết cách chăm sóc nên kinh tế gia đình vẫn nghèo khó”. Đầu năm 2018, gia đình chị A Yung được địa phương hỗ trợ 1 con bò giống, người dân trong làng giúp làm chuồng trại chăn nuôi và thường xuyên động viên, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây cà phê, cây lúa, nhờ vậy gia đình chị đã thoát nghèo. 
Trưởng thôn O Deh thông tin thêm, làng hiện còn 17 hộ nghèo trong tổng số 259 hộ và dự kiến trong năm sẽ giảm 4-5 hộ nghèo. Thêm vào đó, ấn tượng của chúng tôi về ngôi làng với 100% hộ Jrai này là sự gọn gàng, sạch sẽ và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, giữ gìn an ninh trật tự. Sở dĩ nói đến an ninh trật tự, vì chúng tôi ghé làng khi hầu hết người dân đều đã rời nhà lên rẫy, thế nhưng các cánh cổng chỉ đóng hoặc khép hờ chứ không cần khóa.     
Bên cạnh việc chăm lo phát triển kinh tế, dân làng O Deh cũng tích cực chung sức xây dựng nông thôn mới bằng việc giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp; một số hộ đã và đang thực hiện di dời chuồng trại ra phía sau nhà; làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh...
 PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Pleiku lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

(GLO)- Hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", nhiều người dân ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tham gia HMTN. Việc làm của họ đã góp phần đáp ứng nhu cầu máu cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.