Chư Prông chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế-xã hội, huyện Chư Prông (Gia Lai) luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa. Đặc biệt, trong tháng 7 này, nhiều hoạt động tri ân, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công được triển khai sâu rộng trên địa bàn.
Chúng tôi vừa có dịp cùng 50 đoàn viên, thanh niên huyện Chư Prông tham gia dọn vệ sinh và thay hoa trên các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Đây là hoạt động thường niên của Huyện Đoàn mỗi dịp tháng 7 về. Vừa chăm chú lau sạch phần mộ liệt sĩ, anh Kpuih Hồ Công Thông-Bí thư Huyện Đoàn-chia sẻ: “Chăm sóc các phần mộ liệt sĩ là một trong những hoạt động đền ơn đáp nghĩa được Huyện Đoàn triển khai nhiều năm qua, là nghĩa cử của các thế hệ đoàn viên, thanh niên trên địa bàn nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Dịp này, chúng tôi cũng sẽ tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 10 gia đình có công tiêu biểu, đồng thời tổ chức thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện vào tối 26-7”.
  Thắp hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông. Ảnh: V.H
Thắp hương tri ân các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông. Ảnh: V.H
Để Nghĩa trang Liệt sĩ huyện ngày càng sạch đẹp và là điểm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc cũng như tri ân các anh hùng liệt sĩ, từ đầu năm đến nay, huyện đã đầu tư 500 triệu đồng để tôn tạo và sơn sửa các phần mộ liệt sĩ. Cùng với đó, huyện đã tổ chức tìm kiếm và quy tập 2 phần mộ của các liệt sĩ hy sinh trên địa bàn đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện. Ông Phạm Quang Trung-Quản trang Nghĩa trang Liệt sĩ huyện-cho biết: “Tôi đã làm quản trang ở đây 19 năm. Từng tham gia chiến đấu 10 năm ở chiến trường nên tôi luôn muốn đồng đội, đồng chí của mình yên nghỉ và được chăm sóc chu đáo. Mặc dù có hơn 1.500 phần mộ liệt sĩ nhưng chúng tôi luôn hương khói, chăm sóc và làm cho các phần mộ sạch đẹp; đồng thời đón tiếp thân nhân các liệt sĩ chu đáo”.
Huyện Chư Prông hiện có 1.863 đối tượng chính sách và người có công, trong đó có 153 thân nhân liệt sĩ, 484 bệnh binh, 133 thương binh, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã phát huy tinh thần trách nhiệm và đạo lý để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Cùng với đó, huyện cũng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp để làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình chính sách, người có công đã trở thành nét đẹp văn hóa của cán bộ và nhân dân, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn. Theo thời gian, các hoạt động tri ân liệt sĩ; thăm hỏi, động viên các gia đình có công đã trở thành việc làm thường xuyên của các tổ chức đoàn thể và hệ thống chính trị trong toàn huyện. Qua đó, vừa động viên, chăm lo đời sống các gia đình chính sách giúp họ vươn lên trong cuộc sống, vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã chi trả trợ cấp hàng tháng cho người có công với số tiền gần 3,2 tỷ đồng. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết, lãnh đạo huyện và các tổ chức, đoàn thể còn thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, huyện xuất kinh phí 30 triệu đồng và thành lập 3 đoàn công tác đến thăm hỏi, tặng quà cho 60 gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn. Ngoài ra, các xã, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn cũng sẽ thành lập các đoàn đến thăm và tặng quà các gia đình chính sách. Hiện nay, huyện cũng đã tiến hành khảo sát và đang xây dựng 10 ngôi nhà cho các gia đình chính sách khó khăn về nhà ở; đồng thời hoàn thành việc lập danh sách đi điều dưỡng tập trung cho 14 người có công và điều dưỡng tại nhà 679 người. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện cũng đã thực hiện việc chi trả chế độ ưu đãi cho 3 sinh viên là con thương binh, bệnh binh với số tiền hơn 30 triệu đồng.
Trao đổi với P.V về công tác đền ơn đáp nghĩa, ông Lê Văn Thân-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: “Đền ơn đáp nghĩa là việc làm thể hiện đạo lý và nghĩa cử cao đẹp của dân tộc. Nhờ thực hiện tốt công tác này, đến nay trên địa bàn huyện không còn gia đình chính sách là hộ nghèo. Thời gian tới, cùng với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với các gia đình có công, huyện tiếp tục kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện công tác này”.
 VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.