Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện chương trình “Tiếp bước em tới trường”, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên 75 (Binh đoàn 15) đã triển khai thực hiện nhiều việc làm ý nghĩa nhằm giúp 25 học sinh nghèo được tiếp tục cắp sách đến trường.
Thượng tá Hoàng Đức Tỏa-Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty 75-cho biết: Mặc dù vẫn đang gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su xuống thấp nhưng với mong muốn giúp đỡ các học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường, những năm qua, Công ty đã tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội thực hiện nhiều chương trình ý nghĩa hỗ trợ học sinh trên địa bàn biên giới nơi đơn vị đứng chân. Cụ thể, thực hiện chương trình “Tiếp bước em tới trường”, từ năm 2010 đến nay, Công ty đã tặng sổ tiết kiệm khuyến học cho 25 cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng. Không chỉ tiếp sức cho các em học sinh nghèo vươn lên đạt được ước mơ, chương trình còn tô thắm thêm hình ảnh của người lính Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
  Đại diện lãnh đạo Công ty 75 trao tiền hỗ trợ cho các cháu Ngọc, Anh và Tiên. Ảnh: Lê Quang
Đại diện lãnh đạo Công ty 75 trao tiền hỗ trợ cho các cháu Ngọc, Anh và Tiên. Ảnh: Lê Quang
Trong những trường hợp học sinh nghèo được Công ty 75 giúp đỡ để tiếp tục đến trường có 3 chị em mồ côi ở làng Dăng, xã Ia O, huyện Ia Grai: Nguyễn Thị Ngọc (14 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Chu Văn An), Nguyễn Thị Kim Anh (9 tuổi, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân), Nguyễn Văn Tiên (2 tuổi, đang học mẫu giáo). Giữa năm 2018, cha các em bị bệnh rồi qua đời. Cuộc sống của gia đình vốn đã khó khăn càng trở nên khốn khó khi gánh nặng dồn hết lên đôi vai mẹ các em-chị Lê Thị Tĩnh, công nhân khai thác mủ cao su của Đội 17, Công ty 75. Đầu tháng 5-2019, tai ương tiếp tục đổ xuống đầu các em. Trên đường đi làm về, chị Tĩnh không may bị điện giật tử vong, để lại 3 đứa con nhỏ bơ vơ không nơi nương tựa. 
Cảm thương, chia sẻ với hoàn cảnh của 3 chị em mồ côi, ngay trong tháng 5-2019, Ban Giám đốc Công ty 75 đã kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động trong đơn vị chung tay ủng hộ được gần 122 triệu đồng để hỗ trợ các em. Ngoài ra, Công ty còn nhận hỗ trợ mỗi em 500 ngàn đồng/tháng cho đến khi tròn 18 tuổi. Sự quan tâm giúp đỡ này đã giúp 3 chị em Ngọc, Anh, Tiên vơi bớt nỗi đau mất cha mẹ và có thêm điều kiện để tiếp tục đến trường. Em Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: Được các cô, các chú ở Công ty 75 động viên, giúp đỡ, cháu và em Kim Anh vẫn tiếp tục đi học. Kết thúc năm học vừa rồi, cả 2 chị em cháu đều đạt học sinh giỏi. Thời gian tới, chị em cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ tấm lòng của các cô, các chú. 
 Em Rơ Châm HLong (làng Dăng, xã Ia O) cũng là trường hợp học sinh được Công ty 75 giúp đỡ. HLong cho biết: Ba cháu mất sớm, mẹ cháu đi bước nữa. Cháu ở với cậu nhưng kinh tế gia đình cậu cũng rất khó khăn. Vì vậy, hết lớp 7 cháu bỏ học để đi làm thêm phụ giúp gia đình. Biết tin, các cô chú ở Công ty 75 đã đến nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà rồi còn trao sổ tiết kiệm cho cháu để tiếp tục đi học. Năm học 2018-2019, kết quả học tập của cháu xếp thứ 3 ở lớp. Kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của các chú bộ đội Công ty 75. Cháu mơ ước sau này sẽ làm cô giáo, được về làng dạy các em, rồi tham gia cùng các cô chú giúp đỡ các em học sinh nghèo.
Về những việc làm thắm đượm nghĩa tình của Công ty 75 với người dân biên giới, ông Ksor Phiếu-già làng làng Dăng, xã Ia O-cho biết thêm: Công ty 75 không những vươn lên trong khó khăn để bảo đảm cuộc sống cho người lao động mà còn quan tâm giúp đỡ người dân địa phương, nhất là các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều học sinh nơi đây nhờ sự giúp đỡ của Công ty đã toại nguyện ước mơ đến trường. Chuyện cháu HLong học giỏi không chỉ là niềm hạnh phúc riêng của cháu, gia đình mà còn của thầy cô và đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ Công ty 75. 
 LÊ QUANG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.