Trường TN Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong: Những điều chưa biết...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhắc đến xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê, Gia Lai), hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay vì nơi đây từng có ngôi trường đã góp phần tạo nguồn đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số cho tỉnh Gia Lai-Kon Tum những năm 80-90 của thế kỷ trước. Trong số họ, nhiều người đã trưởng thành,  là những cán bộ năng nổ, nhiệt tình, mẫu mực của tỉnh.
Khi nước nhà vừa thống nhất, nhu cầu cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số của tỉnh Gia Lai-Kon Tum vô cùng cấp thiết. Giải quyết bài toán nhân sự đáp ứng yêu cầu về số lượng, lại đảm bảo được chất lượng trong bối cảnh thiếu thốn lương thực, thực phẩm thì mô hình trường vừa học-vừa làm là giải pháp hữu hiệu, được nhiều địa phương trong cả nước áp dụng. Theo đó, tỉnh Gia Lai-Kon Tum có Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm gồm 2 cơ sở. Phía Bắc tỉnh có Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Đak Tô (huyện Đak Tô, tỉnh Kon Tum bây giờ), phía Đông Nam có Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Đê Par (xã Nam, nay là xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang), thường gọi tắt là Trường Đê Par, được thành lập năm 1976. Đến năm 1983, Trường Đê Par chuyển về xã Bờ Ngoong, đổi tên thành Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong.
 Trường Mầm non 19-5 được xây dựng trên nền cũ của Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong.             Ảnh: ĐÌNH PHÊ
Trường Mầm non 19-5 được xây dựng trên nền cũ của Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong. Ảnh: ĐÌNH PHÊ
Tên gọi của trường phần nào nói lên đối tượng học sinh, loại hình đào tạo, phương thức đào tạo. Riêng cái sự “vênh” giữa độ tuổi người đi học (độ tuổi thanh-thiếu niên, từ 15 tuổi trở lên) với cấp học (trường chỉ dạy cấp I và cấp II) là nội dung “mang đậm dấu ấn lịch sử đặc thù”, cũng cần nói thêm. Thầy Nguyễn Đức Quang-nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong những ngày đầu thành lập-cho biết: Theo chủ trương của tỉnh, địa phương có nhu cầu tạo nguồn cán bộ “cấp tốc” thì bằng cách chọn, lập danh sách những “hạt giống đỏ” ở độ tuổi thanh-thiếu niên gồm cả những em chưa biết chữ và biết chữ dở dang để gửi vào trường. Qua kiểm tra kiến thức đầu vào, nhà trường chọn lớp cho học sinh. Vì thế, không ít em đã 15 tuổi hoặc lớn hơn vẫn theo học lớp 1. Vượt lên những tự ti, mặc cảm ban đầu, các em ngày một hăng say học tập. Nhờ đó, lứa thanh-thiếu niên này tiếp thu được kiến thức, sau này trưởng thành, là những cán bộ năng nổ, tận tình phục vụ nhân dân.
Xung quanh nội dung “vừa học-vừa làm”, trao đổi với ông Đinh Duy Vượt-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nguyên Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm-được biết: Trường dạy 6 buổi/tuần, theo chương trình bổ túc văn hóa hệ cấp tốc (2 năm cho chương trình cấp I, 3 năm cho chương trình cấp II). Sau đó, học sinh được học chuyển tiếp lên cấp III tại Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Đak Tô hoặc vào các trường chuyên nghiệp. Ngoài giờ lên lớp, cả thầy và trò tham gia lao động sản xuất: chăn nuôi gia súc, làm lúa nước ở cánh đồng Amo, trồng hoa màu ở những ruộng rẫy không xa trường… Sản phẩm làm ra góp phần cải thiện đời sống cả thầy và trò chứ không hề tư túi bất kỳ ai. Đêm xuống, dưới ánh đèn dầu leo lét, thầy cô thay nhau giúp học sinh ôn bài, cùng sinh hoạt tập thể 2 lần/tuần, đến 21 giờ, mọi người đều phải đi ngủ.
Mô hình giáo dục-đào tạo như vậy, chỉ trong thời gian ngắn nhất là 7 năm (từ lúc vào trường học lớp 1 đến khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp) đã có sản phẩm vào đời. Với ưu thế tuổi đời lớn, tính tổ chức kỷ luật, đức cần cù được sàng lọc qua thời gian chịu khó bám trường, đua bạn theo đuổi sự học đến đích đủ khẳng định đức và tài của những học sinh này (chỉ chiếm dưới 50% so với sĩ số đầu vào).
Vào đời, ở mọi lĩnh vực công tác, họ là những cán bộ, công chức, viên chức mẫn cán, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Bằng con đường tự học, tiếp tục theo học các lớp chuẩn hóa, lớp nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị… giúp họ trưởng thành trong công tác. Có thể nhắc đến ở đây như các anh: Siu Thil-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đức Cơ; Siu Jú-Bí thư Đảng ủy xã Bờ Ngoong; Ksor Kre-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kla (huyện Đức Cơ)…
Nhắc đến kỷ niệm, tình thầy trò, bằng hữu ngày ấy, Bí thư Đảng ủy xã Bờ Ngoong Siu Jú hào hứng kể: “Tuy đời sống khó khăn nhưng chúng tôi yêu thương, đùm bọc, động viên nhau nhiều lắm. Giải quyết nhu cầu dạ dày trong đêm, lũ học trò chúng tôi còn nhờ đến hoa lợi từ những vườn rẫy quanh trường của bà con: mít non đem luộc chấm muối; mít già giấu, ủ chín trùm chăn chia nhau; củ khoai, mì luộc… Mùa nào thức nấy, ngọt ngon theo cả trong mơ đến tận bây giờ!”.
Đến năm 1994, Trường Thanh niên Dân tộc Vừa học-Vừa làm Bờ Ngoong chính thức giải thể. Theo năm tháng, nền trường cũ được dùng vào nhiều việc khác nhau: Trường THCS xã Bờ Ngoong, Trường Mầm non 19-5. Nền xưa dấu cũ không còn lại gì. Các thế hệ học sinh ngày ấy phần nhiều trưởng thành trong công tác, đời sống riêng tư ổn định, ấm êm. Mỗi khi gia đình họ (cả gia đình thầy cô) có việc hiếu, việc hỷ thường ngồi lại với nhau hàn huyên tâm sự. Trong vòng tay thân ái, lại cùng nhau hoài ôn chuyện cũ…    
RƠ Ô TRÚC

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.