Người tốt-Việc tốt: Ông Thêm hòa giải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ được biết đến với vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Bak Kuao (xã Ia Băng, huyện Chư Prông, Gia Lai), ông Kpă Thêm còn được người dân quanh vùng gọi với cái tên thân thuộc là “ông Thêm hòa giải”. Vì hơn 10 năm qua, ông đã hòa giải thành công hàng trăm vụ việc, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.
Nói về trường hợp mới tham gia hòa giải thành công, ông Kpă Thêm cho hay: Đó là vụ tranh chấp đất giữa các thành viên trong gia đình. Chuyện là, vợ chồng ông Kpuih Ayut (làng Klă Băng) vì tuổi cao nên quyết định lập di chúc, phân chia đất đai cho các con. Tuy nhiên, sự phân chia này không nhận được sự đồng thuận của một trong 2 người con trai, vì người con này muốn sống cùng cha mẹ và nhận nhiều đất hơn. Sau nhiều ngày tranh cãi nhưng không đi đến thống nhất, ông Ayut đã tìm đến ông Thêm nhờ can thiệp. “Ban đầu, mình lắng nghe cả hai bên để hiểu rõ sự việc, sau đó mới tách từng bên ra để phân tích. Vì cứ phải đi qua, đi lại giữa 2 bên nên mất gần 8 giờ đồng hồ sau các bên mới đi đến thống nhất”-ông Thêm bộc bạch. Cụ thể, 1 người con trai của ông Ayut đồng ý nhận 700 cây cà phê và 4 sào ruộng; người còn lại nhận 800 cây cà phê và 1 sào ruộng. Hơn 1 ha đất còn lại của vợ chồng ông Ayut được giao lại cho cô con gái út và cô này phải có trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ đến lúc qua đời; ngược lại nếu cô con gái út bỏ bê, không phụng dưỡng cha mẹ thì chỉ nhận được 300 cây cà phê.
Ông Kpă Thêm. Ảnh: A.H
Ông Kpă Thêm. Ảnh: A.H
Trước đó không lâu, ông cũng hòa giải thành công 1 vụ mâu thuẫn gia đình, nguyên nhân bắt nguồn từ việc anh chồng ham chơi, ngoại tình nên vợ đòi ly dị. “Mình phân tích để anh chồng nhận ra hành động ngoại tình là vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình, có thể bị phạt tù... Anh chồng đã nhận ra sai trái và tự nguyện viết cam kết không tái phạm; nếu không sẽ bồi thường cho vợ 100 triệu đồng và giao hết tài sản của gia đình cho vợ con”-ông Thêm cho hay.
Kể về nỗ lực hòa giải các vụ việc, ông Thêm nói vui rằng, hơn 10 năm qua, ông ăn cơm bên ngoài còn nhiều hơn ăn cơm nhà. Vì có tháng ông tham gia hòa giải tới 30 trường hợp, trong đó có khoảng 5-6 trường hợp trong làng, còn lại là các làng, các xã lân cận. Nhiều nhất vẫn là mâu thuẫn vợ chồng, thanh niên gây gổ đánh nhau. Theo ông Thêm, có những vụ việc chỉ mất vài giờ đồng hồ là hòa giải xong, nhưng cũng có một số trường hợp phải mất vài ngày mới thành công. Điển hình là vụ việc cách đây chừng 1 tháng, 1 nhóm thanh niên trong làng Bak Kuao trong lúc dự đám cưới ở xã Ia Tôr (huyện Chư Prông) đã xảy ra xô xát với thanh niên bản địa. Hậu quả, 1 thanh niên của xã Ia Tôr đã bị thanh niên làng Bak Kuao chém gây thương tích ở cánh tay nên đòi bồi thường 120 triệu đồng cùng 1 con heo. Biết rõ hoàn cảnh khó khăn của gia đình có con gây thương tích, ông Thêm đã nhận lời tham gia hòa giải. Sau 2 ngày kiên trì thuyết phục, cuối cùng gia đình ở xã Ia Tôr đã đồng ý giảm số tiền bồi thường xuống còn 60 triệu đồng.
Ông Thêm cho rằng, hầu hết các trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra do các bên đều nghĩ mình đúng, vì vậy nhiệm vụ của người làm công tác hòa giải là phải lắng nghe, sau đó phân tích để mỗi bên hiểu được cái đúng, cái sai. Để làm được điều đó, ngoài việc nắm rõ các quy định của địa phương, ông còn thường xuyên cập nhật các tin tức, tài liệu cũng như các văn bản pháp luật liên quan để kịp thời vận dụng. Bằng sự linh hoạt trong cách giải quyết từng vấn đề, nhiều năm qua, hầu hết những vụ việc ông tham gia hòa giải đều mang lại kết quả như mong muốn.
Nhận xét về ông Thêm, ông Kpă Klam-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Băng-cho rằng: “Ông Thêm rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động dân làng hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động, nhất là huy động người dân tham gia đóng góp kinh phí, hiến đất xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, ông Thêm rất có tài ăn nói và khéo hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp nên thường được người dân tín nhiệm, nhờ can thiệp, hòa giải”. Với những nỗ lực trong công tác Mặt trận, năm 2013, ông đã vinh dự nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; giai đoạn 2014-2017 được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.