Hỗ trợ chuồng trại để hoàn thành tiêu chí môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của huyện, năm 2019 có 18 hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn ở làng Kênh (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah, Gia Lai) được hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Điều này đã góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân, hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng làng nông thôn mới.
Gắn bó với nghề chăn nuôi bò từ rất lâu nhưng ông Rơ Châm Bop (làng Kênh) vẫn quen với việc làm chuồng trại sơ sài và tập quán chăn thả rông ngoài đồng. Phương thức chăn nuôi này khiến bò thường xuyên bị bệnh, nhất là vào mùa mưa. “Việc tự bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng chuồng trại là không dễ dàng gì với một gia đình khó khăn như tôi. Cho nên khi được xét duyệt để nhận hỗ trợ xây chuồng bò, tôi rất mừng. Khi đã có chuồng mới, tình trạng ô nhiễm môi trường sẽ giảm đáng kể, công tác phòng tránh dịch bệnh cho gia súc cũng thuận lợi hơn”-ông Bop chia sẻ.
 Việc chăn nuôi trong chuồng trại không đảm bảo dễ khiến gia súc bị nhiễm bệnh, nhất là vào mùa mưa.                   Ảnh: V.T
Việc chăn nuôi trong chuồng trại không đảm bảo dễ khiến gia súc bị nhiễm bệnh, nhất là vào mùa mưa. Ảnh: V.T
  
Cũng là một trong 18 hộ ở làng Kênh được hỗ trợ xây dựng chuồng trại đợt này, ông Rơ Châm Kơk không khỏi vui mừng. “Trước đây, gia đình tôi được hỗ trợ bò, giờ tiếp tục được hỗ trợ xây chuồng trại theo phương châm Nhà nước hỗ trợ toàn bộ vật tư, vật liệu xây dựng, người dân tự đóng góp ngày công để làm. Với thiết kế chuồng trại khép kín, sạch sẽ như vậy, đàn bò sẽ tránh được dịch bệnh, gia đình cũng có điều kiện nhân đàn trong thời gian tới”-ông Kơk phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Văn Sơn-Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa-cho hay: Trước đây, nhiều hộ dân ở trong làng được hỗ trợ bò để xóa đói giảm nghèo, nhưng trong số này vẫn còn nhiều hộ chưa có điều kiện làm chuồng trại nuôi nhốt. Hầu hết chuồng trại đều rất sơ sài, không đảm bảo các điều kiện cần thiết nên gia súc hay bị dịch bệnh, bên cạnh đó ảnh hưởng của thời tiết đã tác động không nhỏ đến việc phát triển đàn gia súc trên địa bàn xã. “Nay được hỗ trợ kinh phí, xã đã vận động bà con chọn vị trí xây dựng chuồng trại hợp lý, chuồng phải đặt ở vị trí cao ráo, thoáng mát. Khi đã có chuồng trại mới thì phải thường xuyên dọn vệ sinh máng ăn, máng uống, nền chuồng, khơi thông cống rãnh, vệ sinh sạch sẽ xung quanh chuồng trại để đảm bảo vệ sinh”-ông Sơn chia sẻ.
Xác định tiêu chí về môi trường là một trong những nội dung để nâng cao chất lượng sống của người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, huyện Chư Pah đang dồn sức xây dựng làng Kênh thành làng nông thôn mới trong năm 2019. Do đó, việc hỗ trợ xây dựng chuồng bò đảm bảo hợp vệ sinh cho 18 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong làng đang được đẩy nhanh tiến độ nhằm góp phần hoàn thiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ông Võ Văn Tấn-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah-cho biết: “Từ 180 triệu đồng nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của huyện năm 2019, Trung tâm phối hợp với xã chọn ra 18 hộ để hỗ trợ xây dựng chuồng bò. Theo đó, mỗi chuồng bò có diện tích 13,5 m2 được xây bằng bê tông. Mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua vật tư, người dân tự bỏ ngày công để xây dựng. Hiện tại, các hộ đang tiến hành xây dựng để kịp hoàn thành vào cuối tháng 5 này”.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.