Hấp dẫn cuộc thi chim chào mào tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, hàng trăm người đã có mặt tại Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai để theo dõi, cổ vũ hội thi chim cảnh vào hàng quy mô nhất từ trước đến nay, thu hút 147 chú chim của các nghệ nhân đến từ nhiều huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.  
Đồng tổ chức hội thi là Cơ sở cám chào mào Cao Nguyên, Hội chào mào Xóm Chợ, Hội quán chào mào 121. Tại hội thi lần này, các chú chim chào mào đã trải qua hơn 20 vòng thi đấu với những đòi hỏi rất khắt khe về giọng hót, phong cách, điệu bộ và thái độ thi đấu. Mỗi vòng thi kéo dài khoảng 8 phút để loại bỏ dần những chú chim yếu, bỏ đấu nhằm chọn ra những chú chim có giọng hót khỏe, hay, hình thể đẹp, thể hiện sức bền bỉ, dẻo dai. Theo đó, những chú chim thi đấu tốt thường ra giọng dài đều, tìm cách dọa nạt đối phương bằng các “đòn” bung cánh, xòe đuôi…; chim bị loại thường do các biểu hiện: ra giọng yếu, ham tắm nắng, xù lông, xỉa lông nhiều lần, “lộn mèo” 360 độ và cụt móng.
 Tổ trọng tài theo dõi từng chú chim thi đấu.   Ảnh: H.P
Tổ trọng tài theo dõi từng chú chim thi đấu. Ảnh: H.P
Không chỉ thu hút nhiều nghệ nhân từ các câu lạc bộ tham dự, hội thi còn được người dân TP. Pleiku và vùng lân cận quan tâm. Người xem ai nấy đều thích thú với những chú chim cảnh đẹp, những màn đua tranh giọng hót, từng thế chiến đấu, tấn công của các chú chim chào mào. Theo đánh giá của các nghệ nhân, hội thi được tổ chức khá chuyên nghiệp, đội ngũ trọng tài công tâm, có chuyên môn cao, đánh giá chính xác “tài năng” của từng chú chim. Sau hơn 3 giờ miệt mài tranh tài, chú chim chào mào mang số báo danh 137 của nghệ nhân Lê Thành Trung (Câu lạc bộ Chim cảnh Văn Hiếu, TP. Pleiku) đã xuất sắc vượt qua 146 chú chim khác để giành chức vô địch cùng phần thưởng là 5 chỉ vàng, cờ, cúp và giấy chứng nhận. Ban tổ chức cũng đã trao giải nhì (4 chỉ vàng, cờ, cúp và giấy chứng nhận) cho nghệ nhân Lê Quốc Hưng, chủ nhân của chú chim số báo danh 111; trao 2 giải ba (mỗi giải 3 chỉ vàng, cờ, cúp và giấy chứng nhận) cho chủ nhân 2 chú chim mang số báo danh 048 và 145 là nghệ nhân Nhất Long Phạm và Ngô Thiện Phát.
Anh Nguyễn Đức Dũng-một nghệ nhân chơi chim cảnh ở TP. Kon Tum-cho biết: “Dù không đạt giải cao nhưng năm sau nếu hội thi tổ chức thì chúng tôi vẫn sẽ tham gia”. Còn nghệ nhân Ngô Thiện Phát cũng phấn khởi nói: “Anh em nghệ nhân chơi chim cảnh chúng tôi rất vui mừng vì đã có một sân chơi chuyên nghiệp mới, có cơ hội giao lưu, học hỏi kỹ thuật nuôi chim cảnh”.
Ông Trần Văn Nhị-Trưởng ban tổ chức hội thi-cho biết: “Đây là sân chơi bổ ích, chuyên nghiệp dành cho các nghệ nhân, qua đó phát hiện nhiều chú chim có giọng hót lạ, hay và bền bỉ. Đồng thời, đây cũng là dịp tạo sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi, chăm sóc, huấn luyện chim... hình thành thú vui lành mạnh”.
 HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.