Nông dân Ayun Pa thu nhập cao từ trồng đinh lăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều nông dân ở thị xã Ayun Pa (Gia Lai) đang đầu tư trồng cây đinh lăng làm dược liệu. Đây là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và cho thu nhập cao gấp 8 lần so với trồng mía.


Lãi gấp 8 lần trồng mía

Nhiều năm nay, ông Chế Linh (tổ 4, phường Sông Bờ) theo đuổi đam mê trồng cây đinh lăng làm dược liệu. Hiện tại, ông có gần 3,5 ha đinh lăng (1,5 ha trồng cách đây 5 năm và gần 2 ha trồng hơn 1 năm) trên vùng rẫy sát chân núi Chư Jú (xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa). Theo ông Linh, cây đinh lăng không kén đất, dễ trồng và ít bị sâu bệnh. Ông mua hom giống đinh lăng nếp ngay tại thị xã rồi về tự ươm trồng. Trước khi trồng, ông đào hố bón lót phân chuồng. Ông trồng cây cách cây 60 cm, hàng cách hàng 60 cm và dùng hệ thống béc để tưới. Mỗi năm, ông làm cỏ, bón phân 2 lần cho rẫy đinh lăng vào đầu và cuối mùa mưa.

Hiện rẫy đinh lăng đủ 5 năm tuổi của ông Linh đã đến kỳ thu hoạch, cây cao chừng 1 m, xanh tốt um tùm. Bộ rễ đinh lăng sum suê, củ to như bắp tay người lớn. “Trồng đinh lăng tận dụng được cả rễ, thân, lá để làm dược liệu. Ước tính trung bình mỗi bụi đinh lăng 5 năm tuổi gồm cả rễ, thân, lá cân nặng chừng 10 kg. Trồng đinh lăng từ năm thứ 2 trở đi đã có thể tỉa bớt cành bán cho người ta làm hom giống để lấy ngắn nuôi dài”-ông Linh nói.

 Ông Chế Linh chăm sóc rẫy đinh lăng rộng gần 2 ha hơn 1 năm tuổi của mình. Ảnh: T.Đ
Ông Chế Linh chăm sóc rẫy đinh lăng rộng gần 2 ha hơn 1 năm tuổi của mình. Ảnh: T.Đ



Mới đây, nhiều công ty ở Gia Lai, Đak Lak đã đến hỏi mua rẫy đinh lăng 5 năm tuổi của ông Linh với giá 70.000 đồng/kg tươi nhưng ông chưa bán. Theo nhẩm tính, với mức giá này, 1 ha đinh lăng trồng được 16.000 cây, cho sản lượng khoảng 160 tấn tươi, tương ứng doanh thu khoảng hơn 1,1 tỷ đồng. Nếu tính luôn cả 5 tấn hom giống đinh lăng ông Linh đã cắt tỉa bán trong khoảng thời gian 4 năm vừa qua được hơn 250 triệu đồng thì doanh thu của 1 ha đạt khoảng 1,37 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí đầu tư, ông Linh còn lãi  870 triệu đồng. Như vậy, bình quân mỗi năm, ông Linh lời 170 triệu đồng/ha đinh lăng, cao gấp 8 lần so với trồng mía.

Vùng đất rẫy sát chân núi Chư Jú trước đây người dân chủ yếu trồng mía, mì nhưng gần đây có nhiều hộ chuyển sang trồng cây đinh lăng làm dược liệu. “Rẫy đinh lăng hơn 5 sào của tôi sắp đến kỳ thu hoạch. Dịp trước Tết Nguyên đán vừa rồi, giá đinh lăng lên tới 120.000 đồng/kg, nhiều người đến hỏi mua nhưng lúc đó tôi lại chần chừ không bán. Hiện nay, giá xuống còn 70.000 đồng/kg, tôi sẽ tiếp tục chăm sóc đợi giá lên. Trồng đinh lăng không lo sợ bị quá lứa như khoai lang hay các cây trồng khác nên tôi yên tâm giữ vườn cây đợi được giá thì bán”-ông Văn Công Hoành (tổ 4, phường Sông Bờ) cho biết.

Triển vọng mở rộng cây dược liệu

Để hỗ trợ người nông dân trồng cây đinh lăng làm dược liệu, năm 2018, thị xã Ayun Pa đã tạo điều kiện để Thị Đoàn làm chủ dự án “Xây dựng mô hình trồng cây đinh lăng kết hợp sử dụng hệ thống tưới béc phun tiết kiệm nước tại xã Ia Rtô”. Dự án được triển khai trong 3 năm, có quy mô 2 ha trên phần đất của gia đình đoàn viên Nguyễn Văn Hậu (phường Sông Bờ). Tổng kinh phí đầu tư dự án là hơn 530 triệu đồng (trong đó, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh 150 triệu đồng, còn lại do đoàn viên tham gia mô hình đóng góp). Tập đoàn Khoa học Quốc tế Trường Sinh là đơn vị liên kết, hỗ trợ kỹ thuật, ký hợp đồng cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm đinh lăng khi đến kỳ thu hoạch.

Nhiều hộ dân Ayun Pa, Gia Lai trồng đinh lăng cho thu nhập gấp 8 lần trồng mía. Ảnh: T.Đ
Nhiều hộ dân Ayun Pa, Gia Lai trồng đinh lăng cho thu nhập gấp 8 lần trồng mía. Ảnh: T.Đ



Anh Nguyễn Văn Hậu cho hay, anh đã xuống giống đinh lăng được hơn 3 tháng. “Theo hợp đồng đã ký kết, đến kỳ thu hoạch, Tập đoàn Trường Sinh sẽ mua với giá 5.000 đồng/kg lá tươi; 8.000 đồng/kg thân, cành, cây tươi và 80.000 đồng/kg củ tươi. Như vậy, với 2 ha đinh lăng (tương ứng 28.000 cây) sau 3 năm sẽ cho tổng thu nhập hơn 3,38 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận còn 2,87 tỷ đồng. Mỗi năm trồng đình lăng sẽ cho thu nhập 956 triệu đồng/2 ha (tương ứng 478 triệu đồng/ha)”-anh Hậu nhẩm tính.

Mặc dù Ayun Pa không nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây dược liệu của tỉnh nhưng chính quyền thị xã vẫn mạnh dạn đăng ký phát triển khoảng 30 ha cây dược liệu, chủ yếu là cây đinh lăng. “Cây đinh lăng tương đối dễ trồng, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương nên chúng tôi mạnh dạn đăng ký với mong muốn phát triển cây trồng mới, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân”-ông Nguyễn Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Ayun Pa-cho hay.

 TRẦN ĐỨC

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.