Ia Boòng "cán đích" nông thôn mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, cán bộ và người dân xã Ia Boòng (huyện Chư Prông, Gia Lai) đang hân hoan chuẩn bị cho lễ đón nhận quyết định của UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là thành quả xứng đáng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương suốt 7 năm qua.
Xây dựng Klũh Klăh thành làng NTM
Thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy Chư Prông về xây dựng làng điểm NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đầu năm 2018, Đảng ủy xã Ia Boòng đã chọn làng Klũh Klăh để triển khai. Các cơ quan, đoàn thể, đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện đã tích cực vào cuộc cùng xã để giúp bà con làng Klũh Klăh xây dựng NTM. Trong đó, các đơn vị tập trung chỉ đạo, vận động nhân dân huy động sức mạnh nội lực thực hiện những phần việc chưa cần sự đầu tư của Nhà nước. Nhận thức rõ những lợi ích của việc xây dựng làng NTM, nhiều hộ dân ở làng Klũh Klăh đã tự nguyện đóng góp ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, cổng chào, hàng rào và hiến đất làm đường giao thông. Điển hình như các hộ Rơ Lah Tuynh hiến 150 m2 đất, Siu Bêr hiến 150 m2, Rơ Mah Đét hiến 150 m2, Kpuih Nhoăih hiến 560 m2, Siu Krết 200 m2, Kpă Thô hiến 20 m2, Rơ Chăm Ưng hiến 200 m2, Rơ Lah Khen hiến 150 m2…  
Ông Kpuih Nhoăih cho biết: “Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn nhưng khi xã có chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi khác, gia đình tôi đã hiến 560 m2 đất. Con đường giờ đã được cứng hóa nên bà con đi lại rất thuận lợi. Dân làng phấn khởi lắm”.
 Những con đường thoáng rộng, sạch đẹp do người dân xã Ia Boòng đóng góp ngày công và hiến đất để xây dựng. Ảnh: L.N
Những con đường thoáng rộng, sạch đẹp do người dân xã Ia Boòng đóng góp ngày công và hiến đất để xây dựng. Ảnh: L.N
Để Klũh Klăh trở thành làng NTM, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; phân công cụ thể các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy xã phụ trách công tác xây dựng làng NTM, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Ông Cù Minh Thông-Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Boòng-cho biết: “Để xây dựng Klũh Klăh thành làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số, xã cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức chính trị-xã hội cùng vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện những công việc cụ thể. Ngoài ra, xã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đời sống của 128 hộ ở làng Klũh Klăh, từ đó đưa ra những giải pháp, hướng hỗ trợ phù hợp. Đến nay, xã đã hoàn thành xây dựng Klũh Klăh thành làng NTM”.
Phấn đấu giữ vững và nâng cao các tiêu chí
Trong những năm qua, Đảng ủy xã Ia Boòng luôn thể hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng NTM. Ông Phạm Ngọc Toàn-Bí thư Đảng ủy xã Ia Boòng-cho hay: Đảng ủy xã luôn xác định chủ trương xây dựng NTM vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài và đòi hỏi phải tiến hành đúng quy trình, đồng bộ, chắc chắn, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư cùng tham gia thực hiện. Vì vậy, Đảng ủy xã đã chỉ đạo Ban Quản lý xây dựng NTM của xã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kiện toàn các tổ chức phụ trách công tác xây dựng NTM từ xã đến thôn, làng; xây dựng kế hoạch và phân công các tổ, thành viên phụ trách phối hợp với các thôn, làng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tập trung mọi nguồn lực để xây dựng NTM. Đặc biệt, Đảng ủy xã đã phân công 11 đảng viên, cán bộ xã xuống 11/12 chi bộ thôn, làng để sinh hoạt và giúp đỡ các chi bộ. Trong sinh hoạt chi bộ, nội dung xây dựng NTM luôn được xác định là một trong những vấn đề trọng yếu. Nhờ đó, xã đã vận động nhân dân làng Griêng, Briêng, Tnao, Klũh Klăh hiến gần 5.400 m2 đất để mở rộng tuyến đường lô 2 sau các làng; vận động nhân dân thôn Ninh Hòa và làng Iắt lắp đặt hệ thống điện đường chiếu sáng với tổng kinh phí gần 150 triệu đồng.
Sau 7 năm triển khai xây dựng NTM, xã Ia Boòng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Hệ thống đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, cứng hóa đảm bảo cho người dân đi lại thuận tiện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng thời, xã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cây trồng phù hợp.
“Để giúp các hộ nghèo và cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo, chính quyền địa phương đã hỗ trợ 1.061 cây bơ, 80 cây mít và 9.500 cây cà phê cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số cải tạo vườn tạp, tái canh cà phê; cấp 12 con bò cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,85%. Trong những năm tới, xã Ia Boòng tiếp tục phấn đấu để giữ vững những tiêu chí đã đạt chuẩn và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí”-Bí thư Đảng ủy xã Ia Boòng cho biết thêm.
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.