Hướng đến thương hiệu gạo Ia Lâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 5-2016, huyện Chư Prông, Gia Lai triển khai mô hình sản xuất lúa nước chất lượng cao tại xã Ia Lâu. Giống lúa Lộc Trời 1 được đưa vào gieo trồng trên vùng đất này cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon hơn các giống khác. Đây là tiền đề để huyện xây dựng thương hiệu gạo Ia Lâu vào năm 2020.
Gia đình ông Đinh Văn Thành (thôn 1, xã Ia Lâu) có hơn 3 ha đất sản xuất lúa nước. Vụ Đông Xuân 2018-2019, gia đình ông quyết định dành 2 ha để gieo sạ giống lúa Lộc Trời 1. Nói về giống lúa này, ông Thành cho biết: “Vụ trước, được sự giúp đỡ của huyện, tôi mạnh dạn gieo trồng 1 ha lúa Lộc Trời 1. So với các giống lúa trước đây thì lúa Lộc Trời 1 cho năng suất cao hơn 1-1,5 tấn/ha; chất lượng gạo cũng thơm ngon hơn. Ngay sau khi thu hoạch, nhiều người đã đặt mua lúa nhưng nhà tôi cũng không còn để bán”.
  Người dân xã Ia Lâu tham quan mô hình trồng lúa năng suất, chất lượng cao.         Ảnh: V.H
Người dân xã Ia Lâu tham quan mô hình trồng lúa năng suất, chất lượng cao. Ảnh: V.H
Hiện nay, trên địa bàn huyện Chư Prông có 4.220 ha lúa nước, tập trung ở các xã Ia Lâu, Ia Piơr, Ia Mơr... Nông dân các xã này phần lớn thường sử dụng các loại giống lúa như  HT1, hương cốm, OM4900, ĐV108... Những giống lúa này cho năng suất tương đối cao nhưng chất lượng gạo không nổi bật. Để nâng cao giá trị của hạt gạo trên vùng đất này, tháng 5-2016, UBND huyện Chư Prông giao cho Trạm Khuyến nông huyện (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp) triển khai mô hình trồng lúa nước chất lượng cao với diện tích 10 ha tại thôn 1, xã Ia Lâu với sự tham gia của 14 hộ dân, sử dụng giống lúa Lộc Trời 1.
Theo đó, huyện hỗ trợ mỗi héc ta 130 kg giống, 175 kg phân lân, 100 kg phân urê, 60 kg phân kali và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, Trạm Khuyến nông huyện còn mở một lớp tập huấn hướng dẫn bà con kỹ thuật làm đất, ủ giống, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; đồng thời cử cán bộ về theo dõi, giúp đỡ nông dân. Qua triển khai, các cơ quan chức năng đánh giá giống lúa Lộc Trời 1 khi đưa vào sản xuất đã thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên vùng đất này. Cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhiều nhánh, bông to và dài, tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ở mức trung bình và có thể kiểm soát tốt. Sau khi đưa giống lúa này vào sản xuất và cho năng suất cao, chất lượng gạo thơm ngon, trong vụ Đông Xuân 2018-2019, nông dân xã Ia Lâu đã mở rộng diện tích gieo sạ lúa Lộc Trời 1 lên 20 ha.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của mô hình này, ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-cho biết: Việc triển khai mô hình sản xuất lúa nước chất lượng cao sử dụng giống Lộc Trời 1 tại địa bàn xã Ia Lâu đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt. Giống lúa này rất phù hợp với trình độ canh tác cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai tại xã Ia Lâu. Năng suất lúa bình quân đạt 6,6-8 tấn/ha, tăng 0,5-1,5 tấn/ha so với các giống lúa truyền thống mà bà con đang gieo trồng. Đặc biệt, khi triển khai mô hình sản xuất tập trung áp dụng cơ giới hóa đã giảm ngày công lao động. Bên cạnh đó, do gieo sạ tập trung khiến sâu bệnh phân tán về mật độ, giúp giảm được chi phí đầu tư. Quân bình mỗi héc ta lúa Lộc Trời 1 sau khi thu hoạch, nông dân thu lợi 25-35 triệu đồng. Trong đề án phát triển nông nghiệp của huyện cũng đề ra mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Ia Lâu vào năm 2020. Chính vì vậy, việc nhân rộng mô hình này và xây dựng các cánh đồng lúa lớn trên địa bàn xã sẽ góp phần sớm đạt mục tiêu mà huyện đã đề ra.
Xây dựng thương hiệu gạo Ia Lâu là điều kiện cần thiết để huyện Chư Prông hướng đến nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để xây dựng thành công thương hiệu gạo Ia Lâu, trước mắt chính quyền xã cần thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa gạo. Bên cạnh đó, phải xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tìm kiếm, mời gọi các doanh nghiệp đứng ra ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm lâu dài cho nông dân. Đặc biệt, người dân nên liên kết tổ chức sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, thâm canh theo hướng hiện đại, giảm tối đa sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật... để gạo Ia Lâu vừa ngon vừa sạch, được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
 VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.