44 năm: Những thành tựu đáng tự hào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 44 năm sau ngày giải phóng tỉnh (17-3-1975), từ đống tro tàn đổ nát của bom đạn chiến tranh, Gia Lai đã từng bước vươn lên mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trong phát triển kinh tế-xã hội. Đây là động lực, là tiền đề để tỉnh vững tin hướng đến những mục tiêu mới cao hơn trong thời gian tới. 
Những bước tiến vững chắc
Sau 44 năm giải phóng, Gia Lai đã có những bước tiến vững chắc, đánh dấu sự phát triển toàn diện về kinh tế-xã hội. Từ một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Gia Lai đã dần bắt nhịp và tăng tốc, trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá trong khu vực. Nổi bật là trong giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,76%, riêng năm 2018 là 8%. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,36 triệu đồng, tăng 15,36% so với năm 2015; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt hơn 4.505 tỷ đồng, tăng 6,1% so với năm 2017.
 Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).  Ảnh: PHAN NGUYÊN
Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Đáng chú ý, nhờ ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư nên giai đoạn 2016-2018, toàn tỉnh có 136 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký là 15.350 tỷ đồng. Trong đó, có 75 dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 8.570 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 104 dự án đang triển khai đầu tư với số vốn 13.099 tỷ đồng; hơn 66 dự án khác được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư. Tại buổi gặp mặt các doanh nghiệp mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động. Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng chuyển từ quản lý hành chính cứng nhắc sang mô hình phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi doanh nghiệp phát triển thì kinh tế trên địa bàn mới phát triển, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. 
Thời gian qua, với sự đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Gia Lai đã có bước tiến dài trong công cuộc xây dựng và phát triển. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai quyết liệt, đồng bộ đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, toàn tỉnh có 60 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP. Pleiku được công nhận hoàn thành xây dựng NTM; thị xã An Khê cũng đang đề nghị Chính phủ công nhận địa phương hoàn thành xây dựng NTM. Đến cuối năm 2020, tỉnh phấn đấu sẽ có thêm 20 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng NTM trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện tại, toàn tỉnh có 28 làng thuộc 26 xã của 17 huyện, thị xã, thành phố đăng ký xây dựng mô hình điểm làng NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài ra, công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà cũng đạt nhiều thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai tích cực. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 19,71% vào cuối năm 2015 xuống còn 10,04% vào cuối năm 2018; không còn hộ nghèo thuộc gia đình chính sách, người có công. Với sự chung tay của toàn xã hội, chỉ riêng trong năm 2017, tỉnh đã xây dựng mới 680 căn nhà, sửa chữa 541 nhà dột nát với kinh phí 70 tỷ đồng dành cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng được quan tâm, mạng lưới y tế cơ sở không ngừng được củng cố, phát triển. Đến nay, 88% số xã đã có bác sĩ, 77,5% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Bên cạnh đó, cả 222 xã, phường, thị trấn của tỉnh hiện đều có điện lưới quốc gia với 330.520 hộ dân sử dụng điện, đạt 99,46%...
Niềm vui nhìn quê hương đổi thay
Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của quê hương, ông Đinh Hngớp (SN 1944, làng Mơ HVen, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) không giấu nổi sự phấn khởi, tự hào. Dấu vết chứng minh sự đổi thay đó là những con đường bê tông thẳng tắp trải dài đến buôn làng, những ngôi nhà khang trang lợp ngói đỏ au, tường rào cổng ngõ gọn gàng, sạch đẹp. “Những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nước sạch, điện, đường, trường, trạm nên người dân hưởng lợi nhiều mặt”-ông Hngớp cho biết.
Một góc TP. Pleiku.  Ảnh: Phan Nguyên
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, để Gia Lai ngày càng khẳng định vị trí trong khu vực, năm 2019, tỉnh sẽ siết chặt kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao chất lượng tham mưu, phối hợp của các cấp, các ngành. Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục các chỉ số thành phần đang thấp để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển. Hỗ trợ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh đột phá chiến lược, chủ động thu hút các nhà đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị.


Nói về sự thay đổi trên quê hương, ông Nay Châm-Phó Chủ tịch UBND xã Uar (huyện Krông Pa) khẳng định, người dân rất vui mừng khi tuyến đường Trường Sơn Đông được xây dựng chạy qua địa bàn xã. Tuyến đường này giúp bà con đi lại thuận lợi hơn và có điều kiện phát triển kinh tế, giao thương hàng hóa. “Trên địa bàn xã có 3 buôn nằm dọc theo hai bên đường Trường Sơn Đông. Từ ngày có con đường này, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo nông thôn cũng từng ngày khởi sắc”-ông Nay Châm phấn khởi nói.
Trong khi đó, ông Võ Xuân Thi (SN 1958, Bí thư chi bộ 3, phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa) cảm nhận rất rõ sự đổi thay về đời sống gia đình mình và quê hương từ sau ngày giải phóng tỉnh. Ông cho biết, trước năm 1975, Phú Bổn nằm trong vùng địch chiếm đóng. Dưới chế độ cũ, người dân bị áp bức, nghèo khổ cùng cực. 44 năm sau ngày đất nước giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế-xã hội mọi mặt được nâng lên. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, gia đình ông có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm. Hiện gia đình ông đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ phương tiện, đồ dùng phục vụ sinh hoạt. Đời sống của bà con trong tổ dân phố cũng thay đổi rõ rệt. Ông Thi tâm sự: “Bộ mặt thị xã Ayun Pa được quan tâm đầu tư, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn. Tại các buôn làng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng ngày càng khởi sắc”.
Còn ông Chu Quang Tùy (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 70, Tiểu đoàn 408 thuộc Tỉnh đội Gia Lai) thì chia sẻ: Sau ngày giải phóng tỉnh, thị xã Pleiku còn nhỏ hẹp, đường sá, nhà cửa đơn sơ, nhỏ bé, cơ sở vật chất gần như không có gì. Vì vậy, dù chứng kiến sự đổi thay từng ngày của TP. Pleiku nhưng đôi lúc ông Tùy cũng không khỏi bất ngờ trước tốc độ phát triển nhanh chóng của mảnh đất mình đang sống. “Thành phố Pleiku bây giờ so với trước to đẹp gấp mấy chục lần. Sự đổi thay này thể hiện trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Cơ sở hạ tầng ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt”-ông Tùy nhận xét. 
 MINH NGUYỄN

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.
“Xóm mía” bên quốc lộ 25

“Xóm mía” bên quốc lộ 25

(GLO)- 10 năm qua, người dân thôn Phú Cường (xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã phát triển giống mía thanh diệu trên mảnh đất khô cằn sỏi đá. Loại mía tím này đã trở thành thức quà quê theo chân những chuyến xe đến với mọi miền trong cả nước.