Ngành Y tế: Nâng cao năng lực,đáp ứng nhu cầu của người dân Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thông qua đề án bệnh viện vệ tinh và triển khai hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khám-chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật, ngành Y tế tỉnh Gia Lai hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ các bác sĩ. Ngoài ra, ngành cũng sẽ cải thiện môi trường làm việc trong các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho nhân viên y tế phát huy hết khả năng để họ yên tâm công tác.
Lời Tòa soạn: Nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân, ngành Y tế tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu đề ra và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, P.V Báo Gia Lai Điện tử đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Xuân Hải-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế về nhiệm vụ công tác thời gian tới.
* P.V: Thưa ông, việc thực hiện đề án sáp nhập một số đơn vị từ năm 2018 đã giúp ngành có những thuận lợi gì để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn?
 Ngành Y tế tỉnh Gia Lai luôn tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng.  Ảnh: ĐỨC THỤY
Ngành Y tế tỉnh Gia Lai luôn tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng. Ảnh: Đ.T
- Ông MAI XUÂN HẢI: Sau khi thực hiện xong công tác sáp nhập, hệ thống y tế của tỉnh bao gồm: tuyến tỉnh có 6 bệnh viện, 2 chi cục, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm, Trung tâm Giám định Y khoa, Trung tâm Pháp y, Trường Trung cấp Y tế (cũng đang chuẩn bị sáp nhập vào Trường Cao đẳng Nghề). Tuyến huyện có 17 Phòng Y tế, 17 Trung tâm Y tế, 14 Phòng khám đa khoa khu vực và 208 Trạm Y tế xã. Có 3 bệnh viện tư nhân: Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn-Gia Lai và Bệnh viện Mắt Cao Nguyên.
Các đơn vị sau sáp nhập đã đi vào hoạt động, từng bước ổn định bộ máy, cơ cấu tổ chức và hoàn thành nhiệm vụ mới. Số đơn vị đầu mối đã giảm đáng kể (giảm 5 trung tâm hoạt động trong lĩnh vực dự phòng tuyến tỉnh, giảm 2 Bệnh viện đa khoa khu vực và 17 Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình). Việc sáp nhập giúp tinh gọn bộ máy y tế cơ sở, tập trung được cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác dự phòng và điều trị, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, việc sáp nhập Ban Y tế dự phòng với Bệnh viện Đa khoa sẽ giảm kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị, tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Đây là bước tiến mới của ngành Y tế trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, tinh giản biên chế, giảm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tốt hơn. 
* P.V: Vậy, ông có thể cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế trong năm 2019?  
- Ông MAI XUÂN HẢI:  Đó là thực hiện tốt các hoạt động phòng-chống dịch, tăng cường truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng-chống bệnh dịch. Chủ động giám sát dịch tễ, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tận dụng các nguồn viện trợ và hợp tác quốc tế để đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác khám-chữa bệnh, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở. Phát triển và mở rộng dịch vụ, kỹ thuật y tế tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong khám-chữa bệnh. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong bệnh viện. Tiếp tục triển khai tốt các nội dung hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trên cơ sở kế hoạch đã ký kết với các đơn vị y tế của thành phố về hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật.
Bên cạnh đó là tổ chức đấu thầu thuốc tập trung theo quy định để chủ động nguồn cung ứng thuốc cho các đơn vị y tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới. Xây dựng và phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, huy động các nguồn lực đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn...
Các y-bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị cho một ca phẫu thuật.      Ảnh: N.N
Các y-bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuẩn bị cho một ca phẫu thuật. Ảnh: N.N
* P.V: Thời gian tới, ngành Y tế có những giải pháp, cơ chế, chính sách nào để đào tạo, thu hút nhân lực về công tác tại tỉnh?
- Ông MAI XUÂN HẢI: Những năm qua, nhìn chung nhân lực y tế toàn tỉnh tăng cả về số lượng và chất lượng, dù vậy vẫn chưa kịp đáp ứng tình hình tăng dân số tự nhiên. Có tình trạng bác sĩ nghỉ việc ra làm tại các bệnh viện tư, cũng như một số bác sĩ nghỉ hưu hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Toàn ngành hiện có 4.475 cán bộ y tế, trong đó có 889 bác sĩ, 328 dược sĩ. Hiện có 175 bác sĩ công tác tuyến xã, 2.082 nhân viên y tế thôn, 187 cô đỡ thôn, làng... Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,73; số xã có bác sĩ đạt tỷ lệ 88%. Như vậy, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân gần đạt mức trung bình của cả nước. Hiện nay, vẫn còn thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sâu, nhất là bác sĩ chuyên khoa Thần kinh, Gây mê hồi sức, Răng-Hàm-Mặt, Mắt, Tai-Mũi-Họng...
Ngành Y tế tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện dự án đào tạo bác sĩ cử tuyển theo Nghị định 134/NĐ-CP và Nghị định 49/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định 134, bổ sung nguồn nhân lực y tế. Tỉnh đã có kế hoạch gửi 268 học sinh đào tạo tại Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Y dược Huế, Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế TP. Hồ Chí Minh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Riêng Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), từ năm 2003 đến 2008 đã đào tạo được 135 học viên. Căn cứ Nghị định 134 và Nghị định 49, các trường hợp đi học cử tuyển về được phân công công tác tại các xã.
Các kế hoạch đào tạo sẽ giúp tăng số lượng bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa, từng bước giải quyết sự thiếu hụt về bác sĩ chuyên khoa thuộc các chuyên ngành ưu tiên như: Ung thư, Tim mạch, Chỉnh hình, Nhi khoa, Truyền nhiễm, Pháp y, Phong, Tâm thần và bác sĩ gia đình. Chú trọng đào tạo bác sĩ và nhân viên y tế cho các trạm y tế xã để triển khai các hoạt động đa khoa thực hành, vận hành mô hình bác sĩ gia đình, thực hiện chính sách bảo hiểm y tế và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Sở Y tế cũng khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ theo học các ngành học và bậc học ưu tiên theo định hướng phát triển trong và ngoài nước, cũng như một số chuyên ngành có sức thu hút thấp, ít hoặc không có lợi thế thị trường. Đào tạo một số lĩnh vực như chuyên ngành bác sĩ gia đình và chăm sóc dựa vào cộng đồng, y học phục hồi chức năng và một số chuyên ngành thuộc khu vực công nghệ cao.
Thông qua đề án bệnh viện vệ tinh và triển khai hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khám-chữa bệnh, chuyển giao kỹ thuật, ngành Y tế tỉnh hướng đến mục tiêu nâng cao trình độ các bác sĩ. Ngoài ra, ngành cũng sẽ cải thiện môi trường làm việc trong các cơ sở y tế, tạo điều kiện cho nhân viên y tế phát huy hết khả năng để họ yên tâm công tác.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
 NHƯ NGUYỆN (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

Chung tay giúp làng Chuk vươn lên

(GLO)- Mặc dù không có tên trong danh sách 20 sở, ngành được phân công kết nghĩa theo Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh đã chủ động kết nghĩa với làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.
Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.