Chư Pah khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy và sự điều hành của UBND huyện, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của huyện Chư Pah đều đạt và vượt kế hoạch; các vấn đề an sinh xã hội được giải quyết kịp thời; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Khai thác tiềm năng, lợi thế
Là địa bàn trung chuyển giữa TP. Pleiku và TP. Kon Tum, huyện Chư Pah có những tiềm năng, lợi thế riêng. Trên địa bàn huyện có nhiều nhà máy thủy điện và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Huyện còn có chung Biển Hồ nước với TP. Pleiku, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như: lòng hồ Ia Ly, thác Công chúa, làng du lịch Phung, Kép (xã Ia Mơ Nông), những vườn cao su, đồi chè, cà phê, hàng thông trăm tuổi, chùa Bửu Minh, núi Một, nhà thờ cổ... Đặc biệt, núi lửa Chư Đăng Ya ẩn mình giữa bốn bề núi non trùng điệp, âm thầm, lặng lẽ nhưng tràn đầy sức sống với những thảm dã quỳ vàng rực, là nơi lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, thích khám phá, ưa tìm kiếm những vẻ đẹp hoang sơ, thuần khiết. Cùng với đó, Chư Pah còn lưu giữ, bảo tồn khá tốt bản sắc văn hóa, các lễ hội truyền thống. Không những thế, huyện còn được biết đến với những sản phẩm có giá trị đặc trưng như: bời lời đỏ, chuối mồ côi (xã Ia Kreng), rượu ghè (xã Hà Tây)... Đây chính là tiền đề để Chư Pah phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Một góc thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah.  Ảnh: H.T
Một góc thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah. Ảnh: H.T

Một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2019:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 13% trở lên.       

- Tổng giá trị sản xuất: 5.303,12 tỷ đồng.

- Thu nhập bình quân đầu người: 37,78 triệu đồng.

- Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,14%.

- Số lao động được giải quyết việc làm mới: 1.420 lao động.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10%.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 13,07%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 31,11 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 34,4 triệu đồng (tăng 8,47% so với năm 2017); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,7%. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển ổn định. Nhiều doanh nghiệp đến khảo sát, triển khai dự án đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh nông nghiệp khá thành công, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ đó, toàn huyện hiện đã hình thành 4 vùng chuyên canh với tổng diện tích 22.000 ha. Vùng chuyên canh số 1 tập trung ở thị trấn Ia Ly và các xã: Nghĩa Hòa, Ia Nhin, Ia Ka, Ia Mơ Nông, Hòa Phú, Nghĩa Hưng... phát triển các loại cây công nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, bời lời, hồ tiêu. Vùng chuyên canh số 2 có lợi thế để phát triển các loại cây ngắn ngày như: lúa nước, bắp, dong riềng, rau củ quả các loại... Vùng chuyên canh số 3 phát triển bời lời đỏ, mì, cao su tiểu điền... Riêng vùng chuyên canh số 4 ngoài phát triển một số cây công nghiệp còn tập trung trồng rừng. Việc phân vùng chuyên canh đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện đời sống của người dân.
Đối với Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp tại xã Ia Khươl (quy mô 53,91 ha) hiện có 8 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn đầu tư hơn 118,9 tỷ đồng. Ưu thế của Cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp là nằm dọc quốc lộ 14. Đây cũng là tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Trong tương lai, tuyến đường huyết mạch này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương từ Gia Lai, Kon Tum về Cảng Quy Nhơn (Bình Định).  
Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu năm 2019
Núi lửa Chư Đăng Ya.  Ảnh: Nguyễn Linh Vinh QUốc
Núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
 
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Chư Pah lần thứ 15 (mở rộng) diễn ra cuối năm 2018, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang đã chỉ đạo: Năm 2019, Ban chấp hành Đảng bộ huyện cần tiếp tục chỉ đạo cán bộ, đảng viên bám cơ sở, giúp dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng; đến năm 2020, các xã nằm trên trục quốc lộ 14 phải đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện hiệu quả Luật Hợp tác xã năm 2012; phát huy thế mạnh phát triển du lịch; kéo giảm tình trạng “tín dụng đen” trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2019, huyện Chư Pah tiếp tục tập trung các nguồn lực để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V.  Theo đó, huyện sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào địa bàn, ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phục vụ chế biến các sản phẩm có lợi trên địa bàn như: cà phê, cao su, hồ tiêu, bời lời... Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo gắn với phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động các nguồn lực đầu tư, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo. Sử dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho vùng dân tộc thiểu số để giảm nghèo thực sự bền vững. Tiếp tục mở rộng quy mô giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học; nâng cao chất lượng khám-chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện tốt chương trình y tế quốc gia, chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản...
Ông Nay Kiên-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah-cho biết: “Năm 2019 là năm rất quan trọng để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020). Vì vậy, huyện Chư Pah quyết tâm đổi mới toàn diện hoạt động hệ thống chính trị, phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng-chống tham nhũng, lãng phí, bảo đảm giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
 HÀ TÂY

Có thể bạn quan tâm

Độc đáo chợ Pleiku

Độc đáo chợ Pleiku

(GLO)- Chợ là nơi thể hiện đặc trưng văn hóa và nếp sinh hoạt của cộng đồng. Nét đặc thù của từng vùng đã hình thành nên những khu chợ độc đáo mà khi nhắc đến tên, người nghe đã hình dung ra những riêng biệt của nó. Ở phố núi Pleiku cũng có những khu chợ đặc biệt như vậy.