Pleiku ngày ấy…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng 11-1981, tôi một mình một ba lô từ Huế lên Pleiku nhận công tác. Mất 2 buổi xếp hàng tôi mới mua được vé xe vào Quy Nhơn. Trên chiếc xe hiệu Renault nổi tiếng một thời, chạy bằng... than, sau một ngày và nửa đêm thì tôi tới Bến xe Quy Nhơn. Sau 2 đêm ngủ lại nhà trọ ngay trong Bến xe Quy Nhơn khi ấy đang ở đường Trần Hưng Đạo, trong tay tôi mới có tấm vé lên Pleiku.
Nói thật là tôi vừa háo hức vừa... chán nản. Trước đấy, để lên Pleiku công tác, tôi đã xem bản đồ, thấy Pleiku gần Huế nhất, thế là viết cái thư xung phong lên đấy. Chưa biết nó thế nào nên đầy háo hức với ý định lên 3 năm sẽ về Huế... lấy vợ. Thế mà giờ, mới từ Huế lên đến Pleiku đã mất 3 ngày, ấy là may tôi còn mua được vé thẳng Quy Nhơn chứ lộ trình là phải “ghé” Đà Nẵng nữa, tức xe Quy Nhơn từ Huế rất hiếm, đa phần phải vào Đà Nẵng rồi đi tiếp Quy Nhơn.
  Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Thành phố Pleiku hôm nay. Ảnh: Phan Nguyện
Nhưng mà con đèo Mang Yang thì tuyệt đẹp. Xe hỏng giữa đèo, việc thường xuyên thời ấy. Mọi người lao xao. Còn hôm ấy, tôi lang thang ngắm đèo.
Tầm 3 giờ chiều, mây phủ kín, là đà quấn lấy cây, người và con đèo, như một dải khăn voan quấn hờ trên cổ cô gái trẻ. Và những phụ nữ dân tộc đeo gùi. Tôi cứ lững thững theo họ. Hàng một, nhẫn nại, lầm lụi và... tự tin. Hồi sinh viên, tôi đã lên A Lưới lao động, ở với bà con Vân Kiều, không lạ về họ nhưng vẫn tràn trong mình khát khao khám phá. Xung quanh, rừng ngàn ngạt, thâm u và bí ẩn dù mới chừng 3, 4 giờ chiều. Nhà xe vừa sửa xe vừa... bày xoong nồi ra nấu cơm ăn tại chỗ. Sức trẻ khiến tôi qua cơn đói lúc nào không hay. Tôi cũng còn kịp thấy những vạt dã quỳ ràn rạt trong chiều, trong sương và trong gió.
Khoảng 9 giờ tối thì tới Bến xe Pleiku, giờ là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai. Tôi reo thầm: Ơ có điện. Những bóng điện đỏ quạch rải rác trong bến xe. Và trời ạ, tôi ngước lên, bến xe ở trong một khu rừng đầy thông, đẹp ngơ ngẩn, dù tôi... đang đói và rất mệt.
Từ bến xe nhìn hút xuống, đường vào thị xã như một cánh võng. Hỏi thăm đường xong, tôi đeo ba lô xuôi dốc. Con đường rợp bóng thông. Sáng hôm sau, như một khách lãng du thứ thiệt, tôi đi bộ khám phá cái thành phố đã bất hủ trong bài hát của Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định, mà vì nó mà tôi xung phong lên đây: “Xin cảm ơn thành phố có em/Xin cảm ơn một mái tóc mềm/Mai xa lắc trên đồn biên giới/Còn một chút gì để nhớ để thương”. Thành phố nghèo, đa phần là nhà vách gỗ lợp tôn, những hàng rào kẽm gai ngăn cách dãy nhà này với dãy nhà kia. Đa phần đấy là các khu gia binh ngụy, giờ là khu tập thể của các cơ quan nhà nước. Nhưng những con dốc thì tuyệt vời. Tôi nhận ra rất nhanh đặc điểm của thành phố này là... dốc bởi nó được quy hoạch trên những quả đồi. Dốc như những đường lượn kỷ hà khiến thành phố mềm hẳn lại. Bên cạnh dốc là thông. Rất nhiều thông cổ thụ ken kín bầu trời thành phố. Và sương là đà trên những ngọn thông, đẹp đến miên man, đến tê dại. Xuýt xoa lạnh, vài bóng áo dài trắng từ nhà thờ Thăng Thiên bước ra, đi bộ trên hè phố, tiếng guốc lanh canh như gõ vào ký ức gã trai trẻ là tôi dù ký ức hắn chưa có gì. Bướm, từng thảm bướm nữa. Yên bình và thanh thản. Tôi khép kín vòng đi của mình bằng quyết định: Ở lại, mai vào cơ quan trình quyết định. Là bởi, trên xe tôi đã có ý nghĩ, đến nơi, thuê chỗ nghỉ, thám thính rồi mới quyết định có vào nhận nhiệm sở hay không? Và tôi đã ở đây từ bấy tới giờ.
Bây giờ, không thể nhận ra, không thể kể lại, những gì Pleiku đã từng.
Hôm rồi, các bạn truyền hình Gia Lai làm bộ phim về họa sĩ Xu Man phát trong dịp Tết, tôi có dẫn các bạn tới nơi ngày xưa là dãy nhà tập thể của Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum. Nó là ở cái gốc nhãn gần bia đá khắc thư Hồ Chủ tịch bây giờ ở Quảng trường Đại Đoàn Kết. Chính tôi, nếu không có cái gốc nhãn đã gắn với mình cả tuổi hoa niên ấy thì cũng chả thể nhận ra nơi mình từng ở. Khi tôi lấy vợ, họa sĩ Xu Man đã nhường cái phòng ông đang làm việc cho tôi ở (trước đấy tôi kê giường ở luôn trong phòng làm việc). Hồi ấy, tháng 3, trời xanh lồng lộng và những sợi tơ từ cây bông gòn lắc thắc khắp nơi, vương trên tóc, trên áo từng người. Khi ấy, tôi cũng chưa biết cái câu thơ: “Hoa vông rụng tuyết trắng” của nhà thơ Kim Tuấn sau được phổ thành (hay hát sai thành) “Hoa vông rừng tuyết trắng” là nói về cái sợi bông lả tả rất đẹp này...
Ngày ấy, Pleiku đẹp và buồn. Và, vượt qua ngày ấy, có một Pleiku hôm nay. Nhưng ký ức là thứ mà không dễ gì bỏ qua và cũng không dễ gì quên được.
Rất may là tôi đã có một vùng ký ức Pleiku trong hành trang của mình.
Hoàng Hương Giang

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

Kông Htok nỗ lực “trụ hạng” nông thôn mới

(GLO)- Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) có nhiều tiêu chí bị “rớt hạng”. Để không bị thu hồi quyết định, xã đang tập trung mọi nguồn lực để củng cố, nâng cao và hoàn thiện các tiêu chí.
Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.