Pleiku, mùa xuân đang đến...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi chỉ là dân “ngụ cư” ở một vùng ngoại ô Pleiku, nhưng hơn hai phần ba quãng đời của mình gắn bó với nơi đây thì cũng coi như giữa đất và người đã bén duyên nhau. Tôi đếm tuổi mình trên cây mai đầu ngõ mỗi độ cha tôi trẩy những chiếc lá già vào khoảng cuối đông, để rồi từ đó, chồi non, lộc biếc, hoa vàng bung nở những niềm tươi tắn đón xuân về.



Gia đình tôi gốc Bắc. Cha tôi vẫn giữ cho con cháu những tập tục đón Tết cổ truyền theo lối quê. Tết nào ông cũng cặm cụi gói bánh chưng, gói xong đem biếu bạn bè, chia cho con cháu. Ngày gói bánh là ngày cháu con tập trung đông đủ. Mỗi người mỗi việc cho có không khí ngày xuân, đỡ nhớ quê, cha tôi bảo thế. Mấy chục năm ngồi xếp lá để cha vào khuôn gói bánh, giờ đến lượt con tôi cũng đã biết phụ giúp ông ngoại làm việc này, tôi thầm cảm ơn cha mình đã gìn giữ cái gốc quê cho chúng tôi bằng những việc làm tưởng chừng như nhỏ nhặt.



Những ngày giáp Tết, sau khi đã xong công việc bánh trái và hiếu lễ ở nhà cha tôi, thế nào tôi cũng lang thang vào làng để được hòa mình trong không khí chộn rộn, ấm áp niềm vui. Nhà nào cũng tất bật chuẩn bị Tết. Là nơi quần cư của người dân tứ xứ nên vào làng, tôi biết thêm nhiều kiểu ăn Tết khác nhau. Người miền Bắc vẫn giữ thói quen “đụng” heo, tức là mổ heo chia nhau rồi gói giò, làm chả. Ngày chia heo mọi người tập trung đông vui lắm. Người Bình Định, người xứ Quảng, người Huế, người miền Tây thì gói bánh tét, làm bánh mứt và những món ăn truyền thống quê hương mình. Bánh chưng, bánh tét là loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ mỗi nhà nhưng với cuộc sống bận rộn như hiện nay thì không phải ai cũng có thời gian để làm. Hầu như chỉ những người lớn tuổi còn giữ được cách làm bánh. Trước kia, khi mới đến Pleiku, tôi thấy mọi người còn làm nhiều loại bánh nữa như bánh in, bánh thuẫn, bánh nếp... Ngoài ra, bà con còn tự rim các loại mứt như mứt mãng cầu, mứt bí, mứt gừng, mứt khoai lang... được làm từ những sản vật có sẵn trong vườn nhà.

Tết ở Pleiku có những nét rất riêng. Sáng mùng Một đường sá dường như vắng vẻ, nơi đông nhất là nghĩa trang và chùa chiền. Ngày còn bà nội, sớm mùng Một tôi hay cùng bà đi chùa, rồi từ hôm sau đi chơi với bạn bè. Bà tôi nấu những món ăn cổ truyền chỉ có trong dịp Tết. Tôi cũng cùng bà tự chuẩn bị bánh mứt. Họ hàng nhà tôi sống ở Pleiku khá đông, ngày mùng Một thường tập trung đông đủ nên không khí Tết vì vậy cũng rất rộn ràng. Mọi người mừng tuổi bà tôi và quây quần ăn bữa cơm đầu xuân ấm cúng.

Bà tôi giờ đã là người thiên cổ, cha tôi vẫn giữ những thói quen cũ như những ngày Tết trước. Tôi có gia đình riêng, sáng đầu năm bao giờ cũng cho trẻ con về chúc Tết ông bà. Tết ở Pleiku bây giờ cũng giống như Tết ở hầu khắp đất nước này, mọi thứ đều có thể mua đồ làm sẵn, không cần mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị như xưa. Tết ở thành phố cũng kéo dài hơn Tết quê vì không phải lo việc đồng áng. Người thành phố quan niệm “còn mùng là còn Tết” nên Tết chủ yếu là để đi chơi, thăm hỏi chúc tụng nhau.

Tôi hay nặng lòng với những điều xưa cũ và tìm ra những lý do để hoài niệm với những xa xưa. Vì thế, tôi luôn muốn giữ lại cho mình những cái Tết xưa còn nguyên hương vị. Pleiku mấy nay tiết trời đã ấm áp, đường phố đẹp hơn trong rực rỡ sắc màu. Dạo phố, tôi có cảm giác như mùa xuân đã đến, thật gần…

Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

“Cổ tích” Grôn

“Cổ tích” Grôn

(GLO)- Nhiều người vẫn quen gọi làng Grôn (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) là làng phong. Trước đây, làng chỉ có 17 hộ có người bị bệnh phong. Giờ thì nỗi đau do bệnh tật dần qua đi và người dân nơi đây đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu đôi lứa, yêu lao động sản xuất và khát vọng vươn lên.