Đức Cơ: Đột phá trong phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, Đức Cơ (Gia Lai) hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa để phát triển du lịch.
Vùng đất giàu tiềm năng
Huyện Đức Cơ có 35 km đường biên tiếp giáp với huyện Oyadav (tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Dân số toàn huyện trên 70.000 người, trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc thiểu số với 19 dân tộc anh em sinh sống xen ghép và hiện còn lưu giữ được những nét văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như: cồng chiêng, nhà rông truyền thống, tượng nhà mồ, các lễ hội dân gian...
Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: “Đức Cơ là địa phương có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nằm trên quốc lộ 19B của Việt Nam nối với quốc lộ 78 của Campuchia. Đây là tuyến đường trọng yếu nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Bắc Campuchia. Đồng thời, việc khánh thành cột mốc số 30 là điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư xây dựng điểm đến tham quan du lịch tại cửa khẩu, qua đó khai thác tiềm năng du lịch hiện có và phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn”.
  Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.    Ảnh: N.S
Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Ảnh: N.S
Bên cạnh đó, Đức Cơ là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch tâm linh với những điểm đến ấn tượng như: Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty, Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, Khu Du lịch Sinh thái Suối Đôi (xã Ia Dom), rừng Hương (xã Ia Kriêng), cây đa làng Ghè (xã Ia Dơk), làng dệt thổ cẩm tại xã Ia Dom...
Xây dựng du lịch theo chuỗi
Xác định thế mạnh, tiềm năng sẵn có của địa phương, năm 2017, huyện Đức Cơ đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành thế mạnh đặc thù, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Cùng với việc quy hoạch du lịch chi tiết tại các điểm, khu du lịch, huyện đã tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư... Đồng thời, tăng cường hợp tác, gắn kết với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng các sản phẩm đặc thù, tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch.
Đặc biệt, điểm nhấn của du lịch Đức Cơ là siêu thị miễn thuế đặt tại Nhà kiểm soát liên hợp khu vực cửa khẩu. Với bước đi phù hợp mà doanh nghiệp đã triển khai cộng với những ưu đãi trong thu hút đầu tư của tỉnh, siêu thị miễn thuế cho khách xuất cảnh tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Thay vì phải chuẩn bị trước các loại hóa mỹ phẩm hay thực phẩm, hàng tiêu dùng trước mỗi chuyến đi xa, giờ đây, khách xuất cảnh đi Campuchia và nhiều nước khác qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh có thể thoải mái mua các mặt hàng ngoại nhập được bán miễn thuế tại đây. Chị Võ Thị Tuyết Loan-nhân viên Công ty TNHH một thành viên Thương mại Miễn thuế Lệ Thanh Gia Lai-cho biết: “Siêu thị có các mặt hàng rượu ngoại, bánh kẹo, thuốc lá, sữa và nước hoa. Khách xuất cảnh mua hàng tại đây sẽ được miễn thuế hoàn toàn. Hàng hóa ở đây đa dạng, đảm bảo chất lượng. Sau hơn 1 tháng đưa vào hoạt động, sức tiêu thụ các sản phẩm khá tốt, khách hàng yên tâm, tin dùng”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Ngọc Phận, trong năm 2019, Đức Cơ sẽ đầu tư 200 triệu đồng thuê các đơn vị có kinh nghiệm để tư vấn về du lịch. Đồng thời, huyện cũng sẽ đầu tư, quy hoạch, chăm sóc, tái tạo cảnh quan thiên nhiên sẵn có để xây dựng các khu du lịch sinh thái trên địa bàn. Ngoài ra, huyện tập trung phát triển các tour du lịch theo chuỗi như: TP. Pleiku đi Cửa khẩu Lệ Thanh, thăm Quốc môn, cột mốc số 30-mua sắm tại siêu thị miễn thuế Lệ Thanh-tham quan Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty-cây đa làng Ghè, rừng Hương rồi về lại TP. Pleiku. Để có nơi cho khách nghỉ chân trong quá trình tham quan, huyện cũng sẽ xây dựng các khách sạn đạt tiêu chuẩn 1-3 sao và các cơ sở lưu trú. “Với những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, hy vọng đây sẽ là cơ sở quan trọng để Đức Cơ xây dựng du lịch, phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới”-ông Trần Ngọc Phận cho hay.
Nguyễn Sang-Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.