Bây giờ đã cuối mùa hoa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng đang ở thời điểm chín rộ theo mùa, gió không còn thông thốc dội vào núi, chỉ mênh mếnh xác xao len nhè nhẹ vào mỗi buổi sớm mai, đem theo cái se se rất đặc trưng của thời tiết cao nguyên. Chiều ngang qua ngoại ô, thoáng thấy những đóa dã quỳ lác đác vàng trong nắng xế. Chợt nhớ, bây giờ đã cuối mùa hoa…
Cô em gái từ phương xa về với phố, tiếc rẻ xuýt xoa đã không thu xếp được công việc để có mặt vào dịp lễ hội hoa dã quỳ. Nhìn mọi người tưng bừng với hoa, lòng em lại càng mong ngóng. Hoa nở có thì, mỗi năm chỉ một mùa, rộ lên chừng một tháng, rồi lại lặng lẽ chờ đến mùa sau. Cái độ rộ lên rực rỡ ấy, người ta nô nức tìm đến với hoa để thưởng ngoạn, để ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên hoa.
Ảnh  nguồn internet
Ảnh nguồn internet
Cái triền núi nơi diễn ra lễ hội hoa ấy gắn bó với tôi một khoảng thời gian rất dài. Những tháng năm vất vả và lặng lẽ nhất cuộc đời, tôi đã lớn lên bên hoa. Đến độ, cái mùi ngai ngái của cây lá lúc nào cũng như vương vất trong khứu giác. Gia đình tôi trồng hoa màu trên triền núi, mùa mưa, có độ mưa triền miên hàng tháng, tôi ngồi nhìn loài cây xanh mướt mải ấy trải dài trên cái bờ ranh giới ngăn cách giữa các khoảnh rẫy để cảm nhận sức sống mạnh mẽ hoang dại của nó. Rồi mùa thu hoạch đến, trùng với mùa dã quỳ ra hoa, nhưng dường như chẳng mấy ai để ý đến sự có mặt của nó. Những người nông dân vẫn cần mẫn với công việc, mùa màng, lặng lẽ, nhẫn nại và chăm chỉ bên những khoảnh hoa vàng ruộm nhuộm thắm nương rẫy núi đồi.
Thế rồi, cái triền núi ấy như được đánh thức, bừng dậy rực rỡ qua những bức ảnh đẹp. Du khách nơi nơi tìm đến thưởng ngoạn loài hoa dại của núi rừng. Sau này tôi mới biết, hoa ấy không chỉ có ở Tây Nguyên, nó có mặt ở rất nhiều nơi. Nhưng với riêng tôi, hơi cá nhân một chút, tôi thấy dã quỳ “hợp” với đất Tây Nguyên hơn cả. Trên nền đất đỏ màu son, lá xanh hoa vàng dường như nổi bật hẳn lên, như tấm thổ cẩm vừa hoàn tất, còn tươi nguyên màu thiên nhiên rừng núi. Và nâng đỡ cho những màu sắc ấy là nắng, nắng càng hanh hao thì hoa càng thắm sắc, càng căng mọng nhựa sống giữa đất trời.
Đưa cô em ra phía ngoại ô để tìm những đóa hoa cuối cùng còn sót lại với mùa, tôi vẫn bắt gặp hình ảnh những người yêu hoa nâng niu từng đóa hoa vàng như bông mặt trời nhỏ trên tay để ghi lại những bức ảnh, như cố níu lại một chút rực rỡ cuối cùng. Lại thấy có người giơ máy ảnh về phía những chiếc đài hoa khô quắt đen đúa nổi lên giữa nền trời xanh. Những thân dã quỳ giờ cũng đã héo khô, lác đác còn vài cành xanh, lá rũ xuống trong nắng chiều, mang trên mình những bông vàng sót lại. Nắng cũng mấy tháng rồi, nắng ở miền này khắc nghiệt, cây chỉ có thể hấp thụ sương đêm để nuôi hoa lá. Thế mà những bông hoa cuối mùa vẫn đẹp, vẫn tròn trịa căng đầy.
Mỗi lần nhìn ngắm những bông dã quỳ cuối mùa, tôi hay chạnh lòng nghĩ đến cuộc sống. Con người thường có tâm lý phù thịnh. Phàm chỗ nào đông vui, nhộn nhịp là chỗ người ta thích tìm đến, thích hòa vào. Những bông hoa nở đúng vào độ rực rỡ nhất là những đóa hoa may mắn, hẳn nhiên là như vậy. Nhưng cuối mùa, hoa vẫn có vẻ đẹp riêng, lại là niềm may mắn dành riêng cho những người đã bỏ lỡ mất dịp đông vui, như cô em tôi và những người tôi gặp ở vùng ngoại ô trong buổi chiều muộn nọ.
Thành phố mỗi sớm mai, tôi vẫn không quên ngước nhìn những cây dã quỳ đã khô quắt. Lòng chợt xôn xao khi nhận thấy loáng thoáng dưới thấp hơn, những đóa hoa vàng vẫn căng mình tròn trịa, nở nốt cho mùa…
Đào An Duyên

Có thể bạn quan tâm

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

Thăm vườn nho hữu cơ ở Ia Grai

(GLO)- Cách TP. Pleiku chừng 15 km, vườn nho Gia Lai (ở tổ dân phố 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) của anh Đặng Đại Dương đã bắt đầu cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên và đón khách đến tham quan, trải nghiệm.
Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

Người tốt-Việc tốt: Giáo dân tiêu biểu làng Thong Yố

(GLO)- Ông Rơ Lan Đăk (làng Thong Yố, xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất cũng như tuyên truyền, vận động đồng bào theo đạo Công giáo tham gia xây dựng nông thôn mới, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

Ngôi đình “vàng” ở Pleiku

(GLO)- Đình Kế Môn (tổ 5, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã tồn tại từ hơn nửa thế kỷ trước nhưng lại khá ít người biết đến. Từ làng Kế Môn, những người thợ kim hoàn đã tỏa ra khắp mọi miền đất nước, mở rộng thị trường khiến tiếng thơm về làng vàng Kế Môn ngày một vang xa.